Thị trường “đóng băng”
Với sự chăm sóc nhiệt tình của nhân viên bán hàng một dự án bất động sản tại Đồng Nai, tháng 10 năm ngoái, chị Nguyễn Thanh ở đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã đến tận nơi để nghiên cứu và sau đó quyết định đặt cọc 200 triệu đồng cho một căn. Chị Thanh cho biết, đến thời hạn đóng tiền đợt 1, giục nhân viên tính toán cụ thể để chuyển tiền nhưng nhân viên lại khất lần nên cũng hơi ngạc nhiên. Rồi bất ngờ, nhân viên quay lại giục giã nộp tiền khiến chị sinh nghi, tìm hiểu thì phát hiện ra chủ dự án đang có vấn đề về dòng tiền. Chị liền nhờ người nhà trong TP.HCM xuống Đồng Nai kiểm tra dự án thì được cho biết, dự án đã dừng mọi hoạt động.
“Tôi kiên quyết không vào tiền đợt 1 như kế hoạch ban đầu và đề nghị môi giới hoàn lại tiền cọc do chủ đầu tư đã dừng thực hiện xây dựng. Nhân viên môi giới thông báo, tài khoản của công ty đã “đóng băng” và vấn đề cấp bách trước mắt của công ty là giải quyết câu chuyện trái phiếu của doanh nghiệp sắp đến hạn, nên chưa tính đến việc hoàn trả tiền đặt cọc”, chị Thanh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Mạnh Hùng, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đóng băng trong quý IV/2022. VNDIRECT ước tính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý cuối năm 2022 chỉ đạt 3.619 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý liền trước và giảm 98,8% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết là trái phiếu phát hành riêng lẻ và không có đợt phát hành ra công chúng nào.
Theo ông Hùng, giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh trong quý IV/2022 đến từ hai nguyên nhân chính: thứ nhất, Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 16/9/2022 có những quy định thắt chặt cả về phía cung và cầu đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm sau khi cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra một loạt sai phạm của các doanh nghiệp phát hành.
Trong khi đó, ước tính, trong năm 2023, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 76,6% so với năm 2022). Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ, tương đương 102.570 tỷ đồng (tăng 76% so với năm 2022). Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, với 37%, tương đương 100.824 tỷ đồng (tăng 55% so với năm 2022). Các ngành khác chiếm 25,5%, đạt 69.459 tỷ đồng (tăng 122,4% so với năm 2022).
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, FiinRatings nhận định, năm 2023, dư nợ trái phiếu hiện tại sẽ đạt đỉnh đáo hạn và năm 2024, khối lượng trái phiếu đáo hạn còn lớn hơn. Các doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn vốn đối ứng để trả nợ trái phiếu, nhưng sau những lùm xùm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có lẽ không có nhiều dư địa để xoay xở được dòng tiền.
Minh bạch để khôi phục niềm tin
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý cuối năm 2022 chỉ đạt 3.619 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý liền trước và giảm 98,8% so với cùng kỳ.
Tại buổi tọa đàm “Điểm sáng đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit” do FiinGroup Việt Nam phối hợp cùng Vneconomy tổ chức tuần qua, ông Lê Hồng Khang cho rằng, trong vòng 12 tháng tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn trầm lắng. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư tìm đến sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp vì sự chênh lệch liên quan đến lãi suất trái phiếu và lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm vừa qua. Chính vì điều đó, nếu hiện nay doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị cao thì sẽ rất khó tiếp cận nhà đầu tư.
“Lo ngại rủi ro vẫn còn, triển vọng phát triển thị trường này vẫn trầm lắng”, ông Khang nói.
Mặc dù vậy, ông Khang cho biết, FiinRatings đang hỗ trợ nhiều nhà đầu tư làm việc với các tổ chức phát hành về xếp hạng tín nhiệm. Mức độ phân hoá về năng lực tín dụng khá mạnh. Nhóm doanh nghiệp tăng trưởng, xếp hạng tín dụng tốt, nhà đầu tư sẵn sàng nắm giữ trái phiếu ở mức lãi suất hợp lý. Không ít doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp do những yếu tố khách quan cũng được nhà đầu tư quan tâm, bởi triển vọng hoạt động kinh doanh sẽ được khôi phục, khi đó dòng tiền phục hồi nhanh.
“Hoạt động tín dụng vẫn sẽ có mặt tích cực, quan trọng nhất là việc doanh nghiệp minh bạch trong cung cấp thông tin”, ông Khang nói.
Ông Khang chia sẻ, năm 2021 - 2022, khi thực hiện hoạt động đánh giá xếp hạng tín nhiệm, FiinRatings nhận được rất nhiều câu hỏi của tổ chức phát hành. Chẳng hạn, “tại sao giá cổ phiếu của doanh nghiệp tôi (doanh nghiệp bất động sản) liên tục lập đỉnh mà kết quả xếp hạng tín nhiệm sơ bộ cung cấp cho doanh nghiệp chỉ ở ngưỡng trung bình khá hoặc trung bình?”.
Theo ông Khang, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong những năm trước đã manh nha suy giảm. Theo đó, công tác xếp hạng tín nhiệm tập trung vào phân tích năng lực trả nợ của doanh nghiệp đã cho thấy sự hữu ích. Cụ thể, từ năm 2018 và các năm trước đó, doanh nghiệp bất động sản đã tăng tốc mở rộng quy mô tài sản cũng như bảng cân đối kế toán.
“Tuy nhiên, hiệu quả quay vòng tài sản của những doanh nghiệp này không đạt được kỳ vọng và diễn ra trong một thời gian dài, dẫn đến suy giảm hiệu quả hoạt động, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như dòng tiền, cuối cùng là khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, ông Khang nói.
Vẫn theo ông Khang, việc đưa thị trường trái phiếu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cần sự nỗ lực của tất cả chủ thể tham gia thị trường. Đối với nhà đầu tư, đó là “chọn mặt gửi vàng”. Đối với cơ quan quản lý, cần nhiều hơn các nhóm giải pháp đồng bộ để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đối với tổ chức phát hành, chìa khoá để nhà đầu tư tin vào doanh nghiệp đó là chủ động minh bạch thông tin.
Xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Cần xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để loại trừ những doanh nghiệp huy động vốn sử dụng sai mục đích. Tất cả chỉ để hướng đến mục tiêu cuối cùng là khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư”.