Ngày 23.2, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã có công văn chỉ đạo UBND TP.Pleiku (Gia Lai) tạm dừng thi công chỉnh trang vỉa hè đối với các đoạn có ảnh hưởng đến cây xanh và kiểm tra, xử lý các đơn vị liên quan đến việc tự ý chặt rễ cây trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai còn yêu cầu UBND TP.Pleiku phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, thống nhất phương án thi công để bảo vệ cây xanh và vị trí quanh khu vực gốc cây nhằm giảm thiểu nguy cơ ngã đổ; chỉ được tiếp tục thi công khi có sự thống nhất của Sở NN - PTNT và Sở Xây dựng.
Muôn kiểu làm hại cây xanh
Thời gian qua, trong quá trình thi công các tuyến đường nội thị TP.Pleiku như: Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Quyết Tiến…, các đơn vị thi công đã di dời hàng trăm cây xanh được trồng từ nhiều năm nay. Số cây này gồm các loại như: dầu, thông được gom lại, đem đi dưỡng tại khu vực Nghĩa trang liệt sĩ Trà Đa (thuộc xã Trà Đa, TP.Pleiku).
Nhiều cây sau khi đơn vị thi công di dời đã bị chết. Một số cây trong tình trạng khô héo. Trong số này, có những cây lớn với đường kính thân từ 20 - 40 cm.
Tại khu vực dưỡng cây, cỏ mọc lấn đầy những gốc cây di dời với dấu hiệu cây sau khi được đem tập trung ở đây ít được chăm sóc.
Mới đây, trong quá trình thi công lát đá vỉa hè đường Lê Duẩn (thuộc P.Phù Đổng, TP.Pleiku), đơn vị thi công là Liên danh Hoàng Phương - An Vinh Thịnh đã cắt rễ của 6 cây nhạc ngựa có đường kính gốc khoảng 20 - 40 cm để tiện cho việc thi công xây bồn cây. Việc làm này khiến nhiều người lo ngại là cây có nguy cơ ngã đổ khi vào mùa mưa có gió to, làm ảnh hưởng đến lưu thông lẫn tính mạng người đi đường.
"Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã kiểm tra và đình chỉ thi công toàn bộ dự án. Hướng xử lý là sẽ đề nghị thành phố điều chỉnh thiết kế, cắt bớt tán của 6 cây nói trên nhằm tránh đổ ngã", ông Đỗ Trung Hùng, Chủ tịch UBND P.Phù Đổng, cho biết.
Cây chết do di dời nhanh
Theo ông Hoàng Minh Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku, muốn cây có tỷ lệ sống cao khi di dời thì phải có phương án trước một năm rưỡi đến hai năm. Theo đó, sáu tháng đầu sẽ cắt một bên rễ, bôi thuốc, dưỡng rễ, thời gian sau tiến hành làm bên còn lại, sau đó mới bó bầu rồi di dời. Thời gian qua, việc làm đường, di dời cây tại TP.Pleiku diễn ra cùng lúc nên cây chết là khó tránh khỏi.
Thực tế, việc di dời cây xanh tại các tuyến đường không được tách thành gói thầu riêng. Tất cả đều nằm trong dự án làm đường. Và quá trình di dời cây được làm cấp tập, thiếu phương pháp và chuyên môn chăm sóc cây, đặc biệt là những cây khó sống như cây thông. Do vậy, sau khi di dời, tỷ lệ cây chết khá cao, lên đến hơn 30%.
Ông Đặng Toàn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Pleiku, xác nhận trong giai đoạn 2020 - 2022, thành phố thực hiện công tác thi công, mở rộng, lát vỉa hè nên đã thực hiện việc di dời cây xanh và trong quá trình này, một số đã bị chết. Nguyên nhân cây chết là di dời quá nhanh trong khi cây đã lớn.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các phương án di dời, chi phí chăm sóc, tổng số cây xanh đã di dời, số lượng cây chết… UBND TP.Pleiku sẽ lên phương án đưa số cây xanh còn sống đem trồng tại các đường mới, phù hợp với quy hoạch đô thị. Chúng tôi cũng tiến hành xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc cây xanh chết", ông Đặng Toàn Thắng nói.