Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLV) vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021-2025.
Theo đề án, UBQLV đề nghị để Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Còn doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.
Với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), đề án đưa ra lộ trình tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia, chấm dứt hoạt động của A0.
Tại đề án, UBQLV cho rằng việc EVN đề xuất thành lập công ty TNHH MTV giai đoạn này là để đáp ứng tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.
Với Công ty Nhiệt điện Thái Bình, sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thái Bình, chấm dứt hoạt động của Công ty Nhiệt điện Thái Bình. Với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, chấm dứt hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Trong khi đó, doanh nghiệp do EVN nắm trên 50% vốn điều lệ gồm các Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, 2, 4. Đề án đưa ra kế hoạch thực hiện cổ phần hóa tại Tổng Công ty Phát điện 1, EVN sẽ nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ; giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại Tổng công ty Phát điện 2 - CTCP và Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP, EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ.
Còn doanh nghiệp do EVN nắm dưới 50% vốn điều lệ gồm Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3.
Cũng tại đề án, UBQLV đề nghị xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính và tăng cường công tác quản trị tài chính tại EVN; nghiên cứu cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ thuộc các tổng Công ty điện lực.
UBQLV cũng yêu cầu xây dựng cơ chế giá bán buôn điện giữa Công ty mẹ - EVN với các đơn vị kinh doanh phân phối điện phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường; xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phù hợp với từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển…
Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, EVN ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.
Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, cùng với số lỗ của năm 2022 (28.876 tỷ đồng) thì tổng lỗ sản xuất kinh doanh EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.
EVN lý giải nguyên nhân lỗ lớn năm qua do thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.