Hai vợ chồng người cháu tôi tốt nghiệp ngành kinh tế ra trường đã đi làm gần chục năm nay. Cách đây hơn 3 năm trước cháu có ý định và nghĩ đến chuyện mua nhà, là một căn hộ chung cư có mức giá tầm dưới 1,5 tỷ, phù hợp với thu nhập cũng như kế hoạch tài chính sau khi đã tích lũy được mấy trăm triệu đồng. Vợ chồng cháu bảo với tôi số tiền còn thiếu cháu sẽ hỏi vay mượn thêm người thân, vay thêm ngân hàng để mua căn hộ, ổn định cuộc sống và công việc.
Thế nhưng sau một thời gian dài đi tìm hiểu các dự án căn hộ đã và đang xây dự, trong đó có cả những dự án căn hộ nhà ở xã hội xây dựng để bán dành cho người có thu nhập thấp mà vẫn không có căn hộ nào phù hợp với thu nhập, túi tiền cũng như mong mỏi của đôi vợ chồng trẻ. Vợ chồng cháu đành gác lại giấc mơ có nhà ở TP với suy nghĩ để tích lũy thêm để đỡ gánh nặng tài chính nếu vay ngân hàng mua nhà và chờ cơ hội nhà đất giảm giá.
Mới đây tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không.
Có thể nói, trăn trở của Thủ tướng cũng chính là trăn trở của hàng triệu người lao động, những người làm công ăn lương như chúng tôi, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, với nỗi mong muốn và khao khát được tìm mua và sở hữu cho mình một căn hộ nhỏ, nhà ở xã hội hoặc những căn hộ nhà ở thương mại có giá cả phù hợp với nhu cầu cũng như thu nhập từ túi tiền của mình.
Một dự án nhà ở xã hội ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Thực tế, trong nhiều năm qua giá nhà ở, giá các căn hộ chung cư hầu như chỉ có tăng cao chứ không hề giảm. Thậm chí có thời điểm giá bất động sản, giá căn hộ tăng phi mã so với thu nhập thực tế của hàng triệu người lao động, những người làm công ăn lương và đời sống xã hội. Nhiều căn hộ được triển khai, xây dựng và tung ra thị trường và được chào bán với mức giá vượt quá sức tưởng tượng của người mua. Hay nói cách khác, giá trị và mức bán của những căn hộ này vượt xa tầm tay cũng như thu nhập của nhiều người.
Thậm chí có thời điểm nền kinh tế lâm vào cảnh khó khăn, lạm phát tăng cao, tình trạng thất nghiệp tăng cao, dịch bệnh kéo dài như mấy năm vừa qua... điều đó cũng đồng nghĩa là thu nhập của hàng trăm nghìn người lao động, những người làm công ăn lương bị sụt giảm rất nhiều, đời sống, kinh tế hết sức khó khăn nhưng giá bất động sản, giá nhà ở, giá bán các căn hộ chung cư hoàn toàn không hề được kéo giảm, không được trả về đúng với giá trị thực của thị trường mà có nơi còn tăng cao một cách bất thường, bất hợp lý so với tình hình chung của thị trường.
Với mức giá như vậy chắc chắn hàng triệu công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp không thể nào với tới. Cuối cùng giấc mơ "an cư lạc nghiệp" cũng chỉ là nỗi mơ ước từ năm này qua năm khác của hàng vạn người và đành phải tiếp tục gác lại. Những căn hộ được gọi là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp có mức giá trên dưới một tỷ đồng, phù hợp với mong mỏi, khát khao của nhiều người hoàn toàn đã biến mất khỏi thị trường về nhà ở như hiện nay.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cơ quan thống kê, với thu nhập bình quân như hiện nay và có phần sụt giảm của công nhân lao động, để sở hữu một căn hộ nhà ở hay nhà ở xã hội, căn hộ là nhà ở dành cho người có thu nhập thấp một cách đúng nghĩa, người lao động phải mất một thời gian ngót nghét gần 20 năm hoặc hơn mới có thể tích lũy, dành dụm mua được cho mình một căn hộ...
Đã đến lúc giá nhà ở, giá của những căn hộ thương mại hay giá trị của những căn hộ là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp cần phải được trả về đúng với giá trị thực, đúng với thị trường hiện tại của nó, như là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ và cũng là mong mỏi, khao khát của hàng triệu công nhân, người lao động. Hay nói một cách khác, dễ hiểu hơn, đã đến lúc giá nhà ở cần phải được điều tiết và kéo giảm mạnh hơn so với nhiều năm trước đây. Đó cũng là điều phù hợp với tình hình thực tế của thị trường và cũng là chuyện làm phải đạo của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà ở và nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhà nước cần ưu tiên dành quỹ đất và sớm bắt tay vào để triển khai, thực hiện xây dựng một triệu căn hộ là nhà ở xã hội, nhà ở để dành bán hay cho thuê đối với người lao động có thu nhập thấp để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người lao động.
Kiên quyết thu hồi đối với các dự án mà nhà nước đã giao nhưng chủ đầu tư không chịu triển khai hoặc không còn khả năng triển khai. Thậm chí, đối với các dự án quỹ đất dành để xây dựng nhà ở, căn hộ thương mại, nếu không có khả thi Nhà nước, Chính phủ hoàn toàn có thể can thiệp, chuyển sang dành ưu tiên xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhiều người có nhu cầu căn hộ phù hợp với thu nhập, túi tiền như hiện nay.
Đặc biệt, Nhà nước, Chính phủ cần tập trung và có các giải pháp mạnh mẽ để chống nạn đầu cơ, thổi giá bất động sản, kê khai "hai giá" trong mua bán nhà đất như hiện nay nhằm tiến tới làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, nhà ở. Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách đánh thuế mạnh vào đối với các hiện tượng mua bán, hoặc đầu cơ đối với bất động sản, căn hộ như hiện nay. Mạnh tay xử lý nghiêm minh các hành vi kết cấu, trục lợi bất chính đối với các dự án, căn hộ nhà ở xã hội, các căn hộ dành cho người có thu nhập thấp...
Đó cũng là cách để đưa thị trường bất động sản, nhà đất về đúng vị trí của nó. Đó cũng chính là nỗi mong mỏi và khát khao của hàng triệu lao động đã và đang mơ ước về một căn nhà phù hợp với thu nhập, túi tiền của mình từ bao nhiêu năm qua.