Cảnh báo lừa đảo rút BHXH một lần
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo hiện nay tiếp tục xuất hiện tình trạng giả mạo Fanpage Facebook của BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo giả làm "tư vấn viên" BHXH, hứa sẽ giúp người lao động làm thủ tục giải ngân (rút BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp...) trong hai ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền người lao động nhận được, số tiền này phải thanh toán trước.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cho "tư vấn viên", người lao động không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào và mất trắng số tiền đã chuyển.
BHXH Việt Nam khẳng định chỉ thực hiện việc cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau:
- Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/;
- Fanpage: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn;
- Ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" và Tổng đài hỗ trợ, chăm sóc khách hàng 1900.9068.
BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân không nên tìm hiểu thông tin tại các Fanpage, các diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo cần báo ngay cho công an để được hỗ trợ xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Đã cấp hơn 78,6 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến ngày 23-2 đã thu nhận 21,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt 20,2 triệu hồ sơ, tăng hơn 3,2 triệu hồ hồ sơ so với cuối tháng 12-2022. Có 4,5 triệu tài khoản kích hoạt, tăng 2 triệu tài khoản so với cuối tháng 12-2022.
Đồng thời, đã có 78,6 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp cho người dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối tháng 12-2022.
Ngoài ra, đã triển khai, kết nối, chia sẻ với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương, tăng 1 doanh nghiệp và 29 địa phương so với tháng 12-2022...
Sửa Luật đất đai 2013: Phải giải quyết được những vướng mắc trong thực tế
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Bắc Ninh chiều 25-2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tiếp tục lắng nghe, khái quát từ thực tiễn để phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hóa, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau.
"Dự thảo luật cần giải quyết những vướng mắc trong thực tế, đặt ra tư duy quan điểm chủ trương, chính sách mới trong quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, thực hiện tốt cải cách hành chính, bảo đảm công bằng, tiến bộ…
Khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành phải đáp ứng được kỳ vọng. Mỗi người dân có thể hiểu được, làm được. Vì vậy, cơ quan soạn thảo, các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đã tập trung thảo luận các nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; Bảng giá đất, việc áp dụng giá đất cho các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm; Các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất;
Quy mô các dự án nhà nước giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất; Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
Giá cá tra tăng nhưng người nuôi không có lời
Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, hiện nay giá cá tra nguyên liệu tăng (30.000-31.000/kg) nhưng người nuôi khó có lợi nhuận vì chi phí thức ăn, thuốc thủy sản tăng mạnh.
"Giai đoạn gần đây, Trung Quốc đặt cá size lớn nên người nuôi tốn chi phí nhiều hơn. Người nuôi cá tra hiện nay thường là huề hoặc lỗ vốn do chi phí thức ăn tăng", ông Lê Văn Chung - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đa quốc gia (IDI) - cho hay.
Dù vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng thủy sản Việt Nam.
Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, lần lượt chiếm tỉ trọng 30% và 23% của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2022.
TP.HCM: Xử lý phương tiện, bến thủy không an toàn
Sau vụ lật đò chở khách gây chết người trên sông Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát đối với phương tiện thủy vận chuyển hành khách, kiểm tra xử lý các bên khách ngang sông hoạt động không có giấy phép.
Đặc biệt xử lý nghiêm các phương tiện chở khách quá trọng tải cho phép, không đăng ký đăng kiểm, đăng kiểm hết hiệu lực, không trang bị đầy đủ áo phao dụng của cứu sinh, không cho hành khách mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ cứu sinh.
Sở này cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện thường xuyên kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về đường thủy, các điều kiện an toàn hoạt động đối với bến khách ngang sông, chủ phương tiện thủy trên địa bàn quản lý...
Cả nước chỉ còn ba bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị
Bộ Y tế cho biết ngày 25-2 cả nước chỉ có 10 ca COVID-19 mới. Trong ngày có 4 bệnh nhân khỏi, còn 3 bệnh nhân nặng đang điều trị và tiếp tục không có ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.526.891 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.488 ca mắc).
Tổng số ca được điều trị khỏi là 10.614.759 ca. Tổng số ca tử vong là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
TTO - Năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoãn thu phí bảo hiểm quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng nhân đà này, nhiều doanh nghiệp đã 'trốn đóng' bảo hiểm xã hội cho người lao động.