Như Thanh Niên đã thông tin: Giữa lúc dư luận nóng về việc căng thẳng thi vào lớp 10 ở Hà Nội, việc một số tỉnh thành quyết định chỉ xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên khiến không ít người đặt câu hỏi liệu các địa phương khác như Hà Nội, TP.HCM có thể áp dụng cách làm này không.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng Hà Nội chưa thể và chưa tính đến việc bỏ thi tuyển vào lớp 10. Theo vị này, không thể so sánh Hà Nội với các địa phương khác vì mức độ cạnh tranh vào lớp 10 ở thủ đô rất căng thẳng. Việc thi vào lớp 10 THPT công lập, đặc biệt những trường "top" (chưa nói trường chuyên), lâu nay được đánh giá là khốc liệt hơn thi vào ĐH khi trường công lập chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 60% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS.
Cũng theo vị này, nếu xét tuyển bằng học bạ thì không thể tránh khỏi tiêu cực "chạy" học bạ đẹp mà nhiều ý kiến vẫn phàn nàn. Còn xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế thì sẽ gây ra tình trạng thiếu công bằng vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học luyện thi lấy chứng chỉ...
Trong khi đó, tại TP.HCM, vào năm học 2007 - 2008, song song với hình thức thi tuyển, lần đầu tiên Sở GD-ĐT quyết định thực hiện xét tuyển lớp 10 tại 3 huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi. Sau đó, mỗi năm học tiếp theo, sở triển khai mở rộng thêm 2 quận, huyện ở khu vực có điều kiện về cơ sở trường lớp để thực hiện xét tuyển theo kết quả học tập lớp 9. Cho đến năm học 2011 - 2012, TP.HCM có 9 quận, huyện thực hiện theo phương thức này.
Việc thực hiện song song phương thức thi tuyển và xét tuyển lớp 10 kéo dài cho đến năm học 2014 - 2015 thì tất cả các trường THPT tại TP.HCM đều tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập. Theo như nhận xét của lãnh đạo sở lúc bấy giờ thì sau một thời gian, hình thức xét tuyển đã bộc lộ nhiều khuyết điểm như mất đi sự cạnh tranh, làm giảm động lực học tập của HS khiến chất lượng đầu vào ngày càng giảm sút…
Giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh…
"Thấy các con vừa lo học chính khóa ở trường, rồi học thêm, rồi còn phải học luyện thi để thi vào lớp 10 mà thấy HS bây giờ phải học nhiều quá, khổ quá. Có lúc vợ chồng tôi bàn với con: "Hay là bỏ bớt vài môn đi con, chứ học kiểu này, mệt quá? Con bảo: "Ráng năm nay thôi ba. Vào lớp 10 rồi sẽ khỏe hơn. Bạn bè con còn học nhiều hơn con mấy môn, không kịp ăn luôn". Giá mà bỏ được kỳ thi lớp 10 thì đỡ biết mấy, chứ như hiện nay, quá khổ!", bạn đọc (BĐ) Tiến Minh, là một phụ huynh (PH) ở TP.HCM, tâm sự.
Trong khi đó, biết thông tin Đồng Tháp và Vĩnh Long là 2 địa phương đầu tiên ở ĐBSCL không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, thay vào đó là xét tuyển, nhiều BĐ đã bày tỏ sự ủng hộ. BĐ Thảo cho biết: "Rất hay, nên nhân rộng. Tuổi của HS vào lớp 10 còn nhỏ nên tạo điều kiện nhiều nhất có thể để các em vào THPT, chứ nói phải loại bớt bằng thi tuyển thì nhiều em sẽ rất khó khăn". BĐ Tuan Tran Minh cũng cho rằng: "Hay lắm. Tạo cho các con có không khí thoải mái. Mô hình này nên phổ biến". Còn BĐ Son Dang Cong thì ngắn gọn: "Quá hợp thời!".
"Chạy" học bạ đẹp…
Tuy nhiên, nhiều BĐ khác lại không ủng hộ việc bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. BĐ Thom cho biết: "Có thi mới đánh giá đúng năng lực HS. Mặc dù kỳ thi cũng có nhược điểm nhưng bù lại các em thỏa mãn với điểm số của mình, sự cố gắng đổi lại bằng kết quả đạt được. Việc xét tuyển, vô hình trung có khi làm "hư" giáo viên (GV) nếu có PH "chạy" điểm, hệ lụy rất lớn, không đánh giá đúng năng lực của HS. Những HS chăm chỉ, cố gắng có khi chỉ vì sự thiếu công tâm của GV mà bị thiệt thòi".
Nên bỏ kỳ thi lớp 10, vì tốn kém, gây áp lực cho HS, PH và cả nhà trường. Nếu nói lý do sợ "chạy" học bạ mà phải thi thì không đúng. Sao không siết việc "chạy" học bạ?
Hoàng
Tiến tới phổ cập hết các cấp, từ tiểu học đến hết THPT mà cứ nặng nề thi cử thế? Các em ở độ tuổi 15, 16 mà không được học tiếp thì sẽ làm gì?
Trần Thị Hồng Tuyết
Tuyển sinh hình thức nào thì cũng có cái ưu điểm riêng. Cách nào cũng tốt nhưng đừng vì thành tích là được.
Khiêm Nguyễn
Bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được nhưng chất lượng học tập sẽ suy giảm do HS thiếu động lực học tập. Đó là thực tế.
Mua Xuan
Đồng ý kiến, BĐ Topten cho rằng: "Hãy cho thi tuyển để công bằng cho các em. Xét tuyển dễ xảy ra tiêu cực... Ngoài ra, chương trình giáo dục VN hiện nay vẫn là thụ động, học thuộc lòng lấy điểm, chưa tạo nên sự sáng tạo và đột phá, không đánh giá được tố chất thật của HS. Do đó thi tuyển (dù có vài nhược điểm) nhưng khắc phục những thứ nêu trên, nên vẫn là lựa chọn tối ưu".
Một số BĐ khác cũng e ngại nếu xét tuyển thì sẽ có chuyện "chạy" học bạ đẹp. BĐ Nguyễn Anh Dân bày tỏ lo lắng: "Có xét tuyển dựa vào điểm 8 học kỳ của 4 năm học, môn nào hệ số mấy cũng không thành vấn đề, vì điểm số đẹp hay không đều nằm trong tầm tay. Cứ cho đề thật dễ, chấm thật thoáng thì điểm số sẽ đẹp thôi... Theo đà đó, HS loại "giỏi" sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn hết, và sẽ được vào lớp 10. Và những người khổ sở nhất là GV THPT, phải dạy những HS "giỏi", nhưng trình độ không phù hợp?".