Ngày 1-2, ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - xác nhận việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.
Theo đó, ngoài các cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, lần này có thêm cây dừa.
Theo ông Đức, Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất nước với hơn 78.000ha, nên việc đưa cây dừa thành cây công nghiệp chủ lực có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
"Theo đó, vị thế, tầm vóc của ngành dừa Việt Nam sẽ được nâng lên kể cả trong nước và quốc tế. Ngoài ra, thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ dừa Việt Nam được đề cao và có cơ hội thâm nhập vào các thị trường. Từ đó giá trị của trái dừa cũng được nâng cao và giá cả ổn định hơn", ông Đức nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, diện tích dừa Việt Nam khoảng 195.000 -210.000ha. Vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000ha, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ diện tích 16.000 - 20.000ha, còn lại 9.000 - 15.000ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...
Riêng tỉnh Bến Tre đến nay tổng diện tích dừa của tỉnh đạt hơn 78.000ha, với tổng sản lượng 870,6 triệu trái.
Thời gian qua, nhà vườn trồng dừa tại khu vực miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng gặp nhiều khó khăn vì giá dừa không ổn định. Có thời điểm giá dừa còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/chục (12 trái).
Ngày 12-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường đối với trái dừa tươi Việt Nam.