Các bạn không những "tự tạo" Tết cho mình mà còn mời bạn bè quốc tế dự những hoạt động của Tết cổ truyền Việt Nam và thưởng thức ẩm thực Tết Việt.
Bên gia đình dù cách ngàn cây số
Cẩm Hà chuyển sang Thụy Sĩ vào tháng 9-2023, khi đang là sinh viên Trường đại học Ngoại Thương. Đến đầu tháng 2-2024, bạn bước vào đợt thực tập bắt buộc đầu tiên tại một khu du lịch trượt tuyết trên vùng núi cao, cách trường đến 5 tiếng đi xe.
So với những thành phố lớn, vùng mà Hà thực tập ít người dân sinh sống, số người châu Á sinh sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn người Việt thì gần như vắng bóng. Mỗi chiều, cảnh núi tuyết châu Âu và cái lạnh mùa đông khiến bạn thêm nhớ nhà.
Vậy là Hà phải chấp nhận một điều không khí Tết sắp đến gần như không có.
Nhớ những ngày ở Việt Nam, mỗi năm gia đình Hà đều đón Tết ở ba nơi, do nhà Hà ở TP.HCM còn nội ngoại thì một bên ở Hà Nội và một bên ở Pleiku.
"Di chuyển vất vả nhưng rất vui, vì gia đình được gần gũi bên nhau. Giờ thì mình nghĩ niềm an ủi Tết lớn nhất cho mình cũng là gia đình. Ngày nào mình cũng gọi điện thoại về cho bố mẹ. Tuy xa nhau nhưng tình cảm rất gần" - Hà tâm sự.
Cặp vợ chồng Trọng Trí - Phương Anh cũng sẽ lần đầu đón Tết xa quê. Dù cả hai đang có một công việc tương đối ổn định ở Việt Nam, Trí quyết định cùng vợ sang Canada du học ở tuổi 30, theo học ngành kinh doanh ô tô tại Trường Georgian College, bang Ontario (Canada). Dịp Tết này, Trí nhận thêm công việc phục vụ tại một nhà hàng cùng Phương Anh ngoài việc học.
Phương Anh kể những ngày này nhiệt độ ở Ontario thường ở mức -2, -3oC, lạnh tê tái. Trong cái lạnh, Phương Anh thèm tha thiết cái nắng Sài Gòn. "Mình cũng thèm cảm giác được chen chúc trong dòng xe cộ những ngày cuối năm ở Sài Gòn. Lúc còn ở quê, kẹt xe làm mình thấy khó chịu, nhưng xa quê rồi mới thấy thương thấy nhớ" - Phương Anh chia sẻ.
Để phần nào nguôi ngoai cơn "thèm", Phương Anh chọn cách đi chợ… online. Bạn dạo các hội nhóm bán hàng online ở Việt Nam để đặt mua các loại bánh mứt, giò chả về cho gia đình mình và gia đình chồng. Có thời gian rảnh ngồi lướt mạng sắm đồ Tết cho người thân, Phương Anh có cảm giác như đang sắm sửa cho chính mình ở Canada.
Lan tỏa Tết Việt
Với Lý Phước Lợi, du học sinh tại Đại học Cincinnati (Ohio), năm nay là cái Tết thứ hai bạn ăn Tết xa nhà.
Năm ngoái khi mới tới thành phố Cincinnati, Lợi "sốc" nhiệt khi mùa đông rét cóng loanh quanh ở mức 0oC, trong khi cách nửa vòng Trái đất, quê nhà miền biển Rạch Giá của Lợi luôn mát mẻ. Ngoài thời tiết, Lợi còn "sốc" tâm trạng khi từ chỗ Tết nào cũng đi hết nhà người thân đến nhà bạn bè chơi xuân thì khu bạn ở người Việt khá ít.
"Không có Tết thì mình tạo Tết" - nghĩ vậy, Lợi tổ chức một buổi tiệc năm mới tại nơi bạn đang trọ, mời mấy đứa bạn Tây đang chia (share) nhà xuống chung vui. Đâu đó chừng sáu bảy người bạn từ Mỹ, châu Âu… được Lợi trổ tài nấu các món ăn truyền thống Việt Nam như thịt kho, canh chua.
Vừa ăn uống, Lợi giới thiệu về phong tục ăn Tết của người Việt cho các bạn nghe, cuối buổi còn chơi "sộp" lì xì cho từng người.
Năm nay có phần khác hơn khi Lợi quen thêm được nhiều sinh viên người Việt ở Cincinnati. Các sinh viên sẽ cùng nhau tổ chức một buổi tối quây quần. Lợi còn được một bạn người Việt rủ đi thăm gia đình của bạn cũng đang sống ở Ohio.
"Mình chắc chắn sẽ có những ngày ấm áp, trải nghiệm một cái Tết của những người Việt sống trên đất Mỹ. Mình nghĩ rằng tình cảm của những người đồng hương trong những dịp quan trọng như Tết là vô cùng đáng quý" - Lợi nói.
Còn Nguyễn Hoài Vân Giang, sinh viên năm 3 Đại học Calgary, Alberta (Canada), dự kiến cũng sẽ có một "ngày hội" cùng bạn bè trong dịp Tết tới đây. Đây là lần thứ ba Vân Giang đón Tết ở xứ lạnh Canada. Mấy năm trước năm thì chưa quen bạn, năm thì bận bịu thi cử, những ngày Tết trôi qua có phần nhạt nhòa. Năm nay, nhóm bạn người Việt của Giang dự kiến sẽ cùng nhau đón Tết, nấu ăn và gọi video về gia đình ngày Tết. Do năm nay mùng 1 và mùng 2 rơi vào thứ bảy và chủ nhật nên tiện sắp xếp việc học và công việc.
Du học sinh mong ước gì trong năm 2024?
Với Cẩm Hà, dự định trong năm 2024 là sẽ học thêm ngôn ngữ để bổ trợ cho định hướng lập nghiệp tại Thụy Sĩ. Tại quốc gia "trái tim châu Âu" này, tùy vùng mà người dân sẽ sử dụng ngôn ngữ chính khác nhau như Pháp, Đức, Ý. Biết thêm một ngôn ngữ sẽ là lợi thế cho một công việc trong ngành dịch vụ.
Với Vân Giang, mục tiêu sẽ là vượt qua nhiều kỳ thi hóc búa trong năm cuối đại học, sau đó tìm kiếm một công việc đúng chuyên ngành tại Alberta. Còn Phước Lợi và Trọng Trí sẽ tìm thêm các cơ hội thực tập song song với chuyện học trong năm nay.
Có phải những thị trường du học 'quen tên' như Mỹ, Úc hay Canada đang có số lượng sinh viên Việt Nam học tập nhiều nhất?