Tết nhất thật ra lại nằm ở những ngày trước Tết. Những ngày chính Tết qua nhanh và thường thiên về lễ nghĩa...
Chỉ tiếp khách thôi là hết ngày. Chỉ cúng ba bữa thôi là hết Tết. Chỉ nói với ba má đâu đó chừng dăm ba câu chuyện lại thấy mình lục đục cuốn gói đi vô.
Tết trên đường
Một năm nhân khi đại gia đình tề tựu đầy đủ, anh trưởng nam thưa với ba má: "Rằng thì chúng con cũng có nhà có cửa trong đó rồi, năm nào cũng về quê bỏ nhà bỏ cửa trong đó không yên tâm... Thôi chắc xin phép ba má sang năm tụi con ở lại Sài Gòn".
"Công văn chính thức" của anh làm cả nhà lặng đi một thoáng. Tôi không rõ lắm ba má tôi đã nói gì, chỉ nhớ ba đằng hắng gì đó. Các con đứa nào cũng có gia đình riêng. Có lẽ cũng đến lúc không thể Tết nào cũng có mặt các con đầy đủ, dù đó là mong ước lớn nhất của ba. Có lẽ vì mong ước đó chúng tôi nếu không về được trước Tết cúng rước ông bà thì cũng tranh thủ cúng đưa... Rồi muốn đi đâu đó thì đi.
Tôi nhớ năm đầu tiên tự lái xe về. Suốt chuyến đi 700 cây số, chúng tôi phải trả lời điện thoại liên tục. Ba mẹ đã đành, các cậu, cô, dì, dượng, thậm chí cả ông bà trẻ dặn dò trấn an...
Để mọi người an tâm, chúng tôi ngủ lại Ninh Thuận một đêm, ngày hôm sau tiếp tục đi thêm vài trăm cây nữa. Chuyến ngủ lại buổi đêm hóa ra vô cùng ấn tượng. Cả resort vắng tanh. Chỉ có những khóm hoa giấy tím đong đưa trong yên ắng. Không khí se lạnh trong lành. Bãi biển chỉ có mấy người chúng tôi ngồi bên nhau. Mưa xuân lất phất...
Cảm giác như mình đứng bên lề của cơn lũ quét. Thoát khỏi những cơn kẹt xe, những cuộc điện thoại, những chuyến giao hàng, thoát khỏi những lo toan của hàng trăm thứ không tên. Chỉ có con đường trước mặt. Bất cứ nơi nào ghé lại đều có thể là chỗ ngủ, chỗ chơi, không có nhiều người đi chơi những ngày cận Tết.
Chúng tôi lang thang như thế. Khi thì đi quốc lộ 1, khi thì đi quốc lộ 14 cà rịch cà tang, tới tỉnh nào thích thì dừng, còn sức thì chạy...
Đi lang thang mới biết vùng nào mình gần như cũng có người thân và rất thân. Cô Tám ở Ninh Hòa, ông Mười Đắk Lắk, cậu Phúc Gia Lai... Bạn thân thì Phan Rí, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Có năm ghé ăn cơm chùa ở Vạn Giã.
Tự hỏi bạn cũng chỉ đãi mình cơm rau và nước trắng mà sao ngon lạ lùng, không lẽ gạo nước ở đây có điều gì đặc biệt. Bạn cười, chỉ về chiếc ghế dưới hàng cây nói: "Nhiều khi chỉ ngồi góc đó uống trà suông mà sao thấy mình quá chừng hạnh phúc".
Không rõ bình an hay tình thâm... mà mình cũng ngồi mãi không muốn rời đi. Hôm ghé thăm người thân (nhất là người có tuổi) thì quyến luyến không nỡ rời. Bởi mình hiểu sâu thật sâu, mỗi năm mới có thể gặp một lần. Không chắc biết năm sau có còn gặp lại.
"Nhà" ở trong tim
Dường như việc xê dịch cho mình trân quý nhiều hơn thời gian của hiện tại. Được sống chậm hơn, kết nối nhiều hơn, trái tim dường như dễ cảm động hơn. Mình nhớ hoài con đường mọc đầy hương nhu dại gần nhà cô Tám ở Ninh Hòa. Cậu em họ nói "mỗi lần nấu gà mẹ em toàn kêu em ra đây hái".
Buổi ghé Đại Lãnh, vớt rong dưới biển nấu một tô mì, trải miếng bạt, ăn giữa lưng chừng đèo, thấy trời ơi sao chỉ vài cọng rong, một bát mì có thể mang cho mình hạnh phúc đến thế.
Có năm ghé trại của bạn ở K-Bang (bạn thì về Sài Gòn ăn Tết), bạn dặn gọi cho người hàng xóm lấy chìa khóa vô nhà. Tủ lạnh bạn chất đầy đồ ăn, chỉ việc lôi ra hâm nóng...
Buổi sáng mang ly cà phê ngồi trên mỏm đá nhìn dòng sông, nghe chim hót vang trời bèn nhắn bạn cảm ơn cùng một hai câu đùa: "Chim ở đây còn rộn hơn người". "Ớt nhiều tới mức chắc tôi phải mang đi làm salad mới ăn kịp". Bạn dặn ở vài ba ngày cho vui. Năm đó, tôi thành người xông đất nhà mình... vì mê lũ chim nhà bạn mà cứ dùng dằng không kịp về đón giao thừa với ba mẹ.
Đã đành nhà là nơi để về. Về nhà là có Tết. Nhưng những chuyến xê dịch cho tôi học thêm một chiều ngược lại: Tết nơi đâu cũng là nhà.
Chỉ cần ở đó có hạnh phúc, có kết nối, có tình thân. Bỗng dưng bật cười thấy mình giống con ốc nhỏ, đi đâu cũng mang theo nhà. Ai cũng thấy nhà của ốc. Nhà của mình tôi giấu bên trong.
Được về quê đón Tết bên gia đình chắc chắn là điều ai cũng mong chờ. Nhưng vì nhiều lý do, sẽ có những sinh viên phải ở lại TP với cái Tết trong dãy trọ chật chội và lẳng lặng trôi.