Chị vốn chỉ làm mứt khế chua để nhà ăn, cùng lắm tặng bạn bè ăn lấy thảo. Công đoạn đầu tiên đòi hỏi sự mát tay và kinh nghiệm bởi có lựa được những trái khế chua ngon khi mứt thành phẩm mới có màu đẹp cũng như giữ được mùi vị riêng có của trái khế chua.
Thơm ngon mứt nhà làm
Chị Tô Thị Cẩm Nhung hiện đang là giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Chị đã làm mứt khế chua từ bốn năm rồi. Nhiều người ăn, khen ngon rồi hỏi sao không bán ra thị trường. Câu hỏi ấy bật ra trong chị câu hỏi tại sao không thể khởi nghiệp, có thể cho mứt khế gia truyền khoác tấm áo mới được không.
Tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương sẵn có, Nhung tìm mua khế chua, nhưng phải là trái vừa chín cây có màu vàng ươm. Cũng như bao món mứt truyền thống khác, khế sẽ được rửa sạch, cắt miếng, ướp với đường rồi đem sên nhỏ lửa. Mứt khế sẽ được phơi nắng và khi thành phẩm có màu vàng tự nhiên với vị ngọt ngọt chua chua.
"Trái khế chín vừa hái xuống cần phải tranh thủ làm ngay vì để quá lâu màu mứt khế thành phẩm sẽ không đạt chất lượng. Công đoạn sơ chế ban đầu là quan trọng nhất quyết định thành bại của mỗi mẻ mứt" - chị Nhung cho biết.
Hiện ngoài mứt khế, cô giáo ấy còn có sản phẩm nước khế lên men, cả mật ong hoa khế. Với vị chua vốn có của trái khế kết hợp với vị ngọt qua công đoạn chế biến, mứt khế chua có tính bình, chứa nhiều dưỡng chất hỗ trợ thanh nhiệt, giải khát, trừ phong, tiêu viêm, lợi tiểu. Sản phẩm nhận được tín hiệu khá tốt từ thị trường khi nhiều khách hàng chọn làm quà biếu một thức quà dân dã của miền Tây.
Khép kín quy trình sản xuất
Nhưng việc phơi nắng theo kiểu truyền thống sau khi sên mứt phụ thuộc nhiều vào thời tiết mà thời gian bảo quản lại khá ngắn. Vì thế, Cẩm Nhung quyết định phải thay đổi, từng bước khép kín quy trình sản xuất để sản xuất số lượng lớn hơn, cũng là đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và thời gian bảo quản dài hơn.
Nguồn nguyên liệu chủ yếu tự thu mua từ các nhà vườn ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Sau khi hoàn thành việc sên mứt, thay vì phơi nắng như trước, nay mứt khế được để nguội rồi xử lý bằng cách sấy lạnh. Công nghệ sấy lạnh đảm bảo mứt vẫn giữ được màu vàng của khế chín tự nhiên, lại cho thời gian bảo quản đến 2-3 tháng so với cách làm thủ công.
Vì từ đam mê mứt nhà làm nên ngay cả khi sản xuất với công nghệ khép kín, mỗi miếng mứt thành phẩm với Nhung là cả tâm huyết, kiên trì vượt khó. Vừa đi dạy vừa sản xuất nên nhiều khi thời gian khá eo hẹp. Nhưng hành trình khởi nghiệp ấy không đơn độc khi cô giáo Nhung nhận được khá nhiều sự giúp sức.
Ông Trần Hà Đông Quân, phó giám đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết vườn ươm đã hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật sao cho mứt khế và nước khế thành phẩm giữ được mùi vị, màu sắc, khống chế độ chua ngọt phù hợp.
Trong khi đó, Phó bí thư Thành Đoàn Cần Thơ Trần Việt Tuấn nói Thành Đoàn đã sát cánh với sản phẩm mứt khế chua của cô giáo Cẩm Nhung ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Từ việc lên ý tưởng thiết kế bao bì, nhãn hiệu đến hỗ trợ tham gia trưng bày tại một số sự kiện ở Cần Thơ.
"Đây là sản phẩm được hình thành từ đam mê và quyết tâm khởi nghiệp. Chúng tôi đã và sẽ hỗ trợ hết mình để có thể lan tỏa sản phẩm khởi nghiệp độc đáo mang dáng dấp của thanh niên Cần Thơ này" - anh Tuấn cho biết.
Đang phục vụ thị trường Tết 2024
Tết Giáp Thìn 2024, Cẩm Nhung chuẩn bị và cung ứng cho thị trường mứt khế đóng hộp 120g cùng nước khế lên men đóng chai 350ml đồng giá 89.000 đồng/sản phẩm. Giá bán Tết vẫn như ngày thường, không tăng.
Nhung khoe khách hàng có cả sỉ và lẻ ở nhiều nơi cả nước, ngoài các tỉnh thành phía Nam còn ra đến thủ đô Hà Nội, chủ yếu mua ăn, đãi khách và làm quà biếu tặng người thân, bạn bè. "Mình tận dụng các kênh, mạng xã hội để kết nối nhanh và đưa hàng đến tay người tiêu dùng thuận tiện, sớm nhất có thể" - Cẩm Nhung cười.
Du học Nhật Bản, mỗi lần ra siêu thị tìm mãi chỉ có phở ăn liền của nước khác ăn với nước mắm, không phải hương vị phở Việt như đã quen.