Khoảng 3h ngày 23/3/2015, Denise Huskins và bạn trai Aaron Quinn khai đang ngủ trong ngôi nhà ở thành phố Vallejo, California thì bị một kẻ đột nhập đánh thức. Mặc bộ đồ lặn và đội mũ trùm đầu màu đen, cầm súng lục có ống ngắm laser, hắn chĩa súng vào đầu Aaron, bảo cả hai nằm yên trên giường.
Tay súng ném dây thừng cho Denise, yêu cầu cô trói tay chân Aaron. Sau đó, hắn dùng sợi dây còn lại để trói Denise. Cặp đôi bị bắt đeo kính bơi màu đen và tai nghe cách âm được quấn băng dính cố định để đảm bảo không nhìn hoặc nghe thấy bất cứ điều gì. Xong xuôi, tên cướp đe dọa Aaron qua tai nghe, yêu cầu anh tiết lộ mật khẩu thẻ ngân hàng và mật khẩu wifi, nếu không cả hai sẽ bị điện giật.
Sau khi Aaron làm theo yêu cầu, hắn ép hai người uống thuốc an thần, thông báo sẽ bắt Denise trong 48 giờ. Aaron hôn mê, khi tỉnh lại đã là khoảng 11h trưa hôm sau. Anh nhận được tin nhắn thoại yêu cầu gom 8.500 USD để chuộc Denise, nếu không cô sẽ mất mạng. Kẻ cướp còn đe dọa đã lắp camera giám sát trong phòng, nếu Aaron dám gọi cảnh sát hoặc giở trò, hắn sẽ giết Denise.
Aaron giãy thoát tay chân bị trói buộc, sau đó kiểm tra phòng, phát hiện kẻ cướp không chỉ lắp camera giám sát mà còn lấy đi ví, máy tính, ôtô và những vật có giá trị khác, chỉ để lại cho anh một chiếc điện thoại di động.
Để tránh bị theo dõi, Aaron cầm điện thoại ra ngoài nhà, gọi cho anh trai từng làm việc ở FBI nhờ giúp đỡ. Anh trai thuyết phục Aaron lập tức báo cảnh sát vì ngay cả khi trả tiền chuộc cũng không thể chắc chắn tên cướp sẽ tuân theo thỏa thuận thả Denise.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát không lập tức truy tìm tung tích tên cướp và giải cứu Dennis mà đưa Aaron về đồn thẩm vấn.
Theo cảnh sát, hiện trường có nhiều điểm nghi vấn. Đầu tiên, cửa ra vào và cửa sổ còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu cạy mở, tên cướp vào nhà bằng cách nào? Thứ hai, ngoại trừ chiếc giường hơi bừa bộn trong phòng ngủ, những nơi còn lại đều sạch sẽ và ngăn nắp, trông không hề giống bị đột nhập cướp của. Vài giọt máu của Denise trên ga trải giường, nhưng theo Aaron, tên cướp không tổn thương Denise, vậy nó đến từ đâu?
Dựa trên những nghi ngờ, cảnh sát cho rằng không có tên cướp nào, tất cả chỉ là lời nói dối: Aaron giết Denise, dọn dẹp hiện trường, sau đó gọi cảnh sát, dựng chuyện bạn gái bị bắt cóc để thoát tội.
Aaron phủ nhận mọi cáo buộc, giải thích ngôi nhà rất sạch sẽ và có mùi thuốc tẩy vì vừa được tổng vệ sinh trước khi vụ việc xảy ra. Vết máu do Denise vô tình bị đứt tay khi ngồi trên giường cầm dao gọt hoa quả vài ngày trước, máu nhỏ giọt xuống ga trải giường.
Dù Aaron đã đưa ra lời giải thích cho những nghi vấn, cảnh sát không tin. Họ thẩm vấn Aaron liên tục trong hơn 20 giờ tuy nhiên Aaron một mực không nhận tội.
Ngay sau khi vòng thẩm vấn thứ hai bắt đầu không lâu, cảnh sát bất ngờ nhận được cuộc gọi báo cáo nhìn thấy Denise lang thang ở thành phố Huntington Beach, California, cách nhà khoảng 600 km. Sau khi xác nhận đó chính là Denise, cảnh sát đặt nghi vấn nếu Denise thật sự bị bắt cóc, Aaron không chỉ báo cảnh sát mà còn không trả tiền chuộc đúng hạn, làm sao kẻ cướp có thể thả cô?
Khi bị đưa về đồn thẩm vấn, Denise khẳng định bị bắt cóc nhưng sau đó được thả ra. Lý do hắn đưa ra là bắt cóc Denise chỉ vì tiền, giết cô vừa không nhận được tiền vừa phải mang tội danh nặng hơn, cô cũng không biết hắn là ai nên không cần diệt khẩu. Denise nói không bị ngược đãi trong thời gian bắt cóc, còn được cung cấp đồ ăn thức uống và mở radio cho nghe.
Sau khi nghe câu chuyện của Denise, cảnh sát hoài nghi cô vì quá trình bắt cóc quá kỳ lạ. Họ suy đoán rằng có thể không có tên cướp nào cả, mọi thứ chỉ là lời nói dối do Denise và Aaron bịa ra.
Trước sức ép liên tục từ cảnh sát, Denise thay đổi lời khai, nói đã bị kẻ bắt cóc xâm hại hai lần trước khi được thả. Trước đó, Denise không kể hết sự thật vì hắn bảo đã quay lại toàn bộ quá trình, nếu cô dám nói ra, hắn sẽ đăng video lên mạng.
Denise cũng cho biết kẻ bắt cóc tự nhận là thành viên của một tổ chức và có những người đàn ông khác liên quan đến vụ bắt cóc cô.
Tuy nhiên, cảnh sát vẫn nhận định mọi chuyện chỉ là màn kịch do Denise và Aaron tự lên kịch bản và diễn xuất. Họ cho rằng cặp đôi có thể đã lấy cảm hứng từ bộ phim ăn khách Gone Girl, phát hành năm 2014, ngụy tạo vụ bắt cóc để thu hút sự chú ý của công chúng và giới truyền thông, từ đó đạt được danh tiếng và tiền tài.
Không muốn bị cặp đôi lợi dụng, phía cảnh sát tổ chức họp báo ngay sau khi thẩm vấn, công khai chỉ trích hành vi của Denise và Aaron, đồng thời tuyên bố sẽ thu thập bằng chứng để truy tố họ, cho họ hiểu được hậu quả của việc lãng phí nguồn lực tư pháp.
Sau đó, các cơ quan truyền thông lớn đồng loạt đưa tin về vụ việc, Denise và Aaron bị đẩy vào tâm bão chỉ trích của dư luận.
Không lâu sau, tờ The San Francisco Chronicle nhận được một email dài 10.000 chữ. Người gửi tự nhận là kẻ đã bắt cóc Denise, mô tả chi tiết quá trình gây án và đính kèm bức ảnh bắt cóc cô. Cuối thư, người này khẳng định gửi email vì biết chuyện Denise và Aaron bị vu oan qua Internet và muốn trả lại công bằng cho họ.
Sau khi được đăng tải, nội dung của bức email lập tức gây bàn tán xôn xao, một số tin rằng Denise và Aaron có thể thực sự bị oan, trong khi những người khác cho rằng email đó do hai người giả mạo nhằm mục đích xóa tan sự nghi ngờ.
Khi cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ, vào ngày 5/6/2015, một vụ đột nhập khác xảy ra ở Dublin, cách Vallejo 60 km, có nhiều điểm tương đồng với vụ án Denise. Nạn nhân cũng là một cặp đôi trẻ, bị kẻ trùm đầu đột nhập nhà vào khoảng 3h. Điểm khác biệt là khi kẻ cướp định trói hai nạn nhân, người bạn trai không ngồi yên mà chống trả, đánh hắn bỏ chạy.
Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy chiếc điện thoại di động do kẻ cướp đánh rơi, từ đó truy ra Matthew Muller, 38 tuổi.
Matthew tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2006, từng là lính thủy đánh bộ từ năm 1995 đến 1999. Hắn từng làm luật sư nhưng đã bị tước giấy hành nghề.
Khám xét nơi ở của Matthew, cảnh sát tìm thấy các công cụ phạm tội và chiếc máy tính bị mất của Aaron. Lúc này, cảnh sát nhận ra Aaron và Denise đã nói sự thật, kẻ bắt cóc Denise chính là Matthew.
Sau khi bị bắt vào ngày 29/6/2015, Matthew thừa nhận hành vi phạm tội nhưng từ chối tiết lộ đồng phạm, ngay cả khi cảnh sát đề nghị có thể xin giảm án, hắn cũng không đồng ý.
Matthew trình bày chi tiết cách sử dụng giọng nói do máy tính tạo ra trong quá trình đột nhập để làm ra vẻ có nhiều hơn một kẻ đột nhập. Hắn cũng sử dụng máy bay không người lái điều khiển từ xa để theo dõi hoạt động của cặp đôi trước khi đột nhập nhà họ, dùng súng giả để đe dọa.
Theo lời khai, Matthew đặt Denise vào cốp xe, chở cô về nhà hắn ở South Lake Tahoe, giam giữ cô trong hai ngày. Điều tra viên sau đó tìm thấy video Matthew tấn công tình dục Denise khi cô bị bịt mắt.
Trên phiên tòa xét xử, Matthew nhận tội bắt cóc đòi tiền chuộc và bị kết án 40 năm tù vào tháng 3/2017. Đến năm 2022, Matthew bị kết án 31 năm tù cho hai tội cưỡng hiếp.
Ngay sau khi bản án được tuyên năm 2017, Denise và Aaron khởi kiện sở cảnh sát Vallejo và những người liên quan về tội Phỉ báng. Trước khi tòa xét xử, phía cảnh sát chủ động dàn xếp với Denise và Aaron, đạt được thỏa thuận hòa giải với số tiền bồi thường 2,5 triệu USD vào năm 2018. Cảnh sát và chính quyền thành phố Vallejo cũng xin lỗi công khai Denise vì đã cho rằng trải nghiệm kinh hoàng của cô là trò lừa bịp.
Năm 2021, Denise và Aaron phát hành cuốn sách Victim F: From Crime Victims to Suspects to Survivors kể lại câu chuyện. Vụ án cũng trở thành đề tài cho phim tài liệu tội phạm có thật American Nightmare.
Tuệ Anh (Theo Today, People, Business Insider)
Xem thêm: lmth.9859074-gneit-ion-coud-ed-ek-cuhn-ohk-gnud-ihgn-iag-oc-auc-nao-ion/ten.sserpxenv