Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi hạ 0,3% vào tháng 12/2023. Đây là mức giảm lớn nhất từ tháng 9/2009, vượt dự báo của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò là 0,5%.
Lạm phát cơ bản, tức đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ, giảm tốc so với mức 0,6% của tháng 12. Dong Lijuan, nhà thống kê cấp cao của NBS lưu ý, mức giảm phần nào do cơ sở so sánh cao, vì tháng 1/2023 là tháng Tết Nguyên đán và thời điểm mở cửa sau Covid-19 khiến nhu cầu tăng.
Tuy nhiên, 14 năm qua, Tết Nguyên đán năm 2012 và 2022 cũng từng rơi vào tháng 1. Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, đánh giá dữ liệu CPI vẫn cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với áp lực giảm phát kéo dài. "Trung Quốc cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để tránh nguy cơ kỳ vọng giảm phát ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng", ông nói.
Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải vật lộn với tình trạng giá cả tăng chậm lại từ đầu năm ngoái, buộc các nhà hoạch định chính sách phải cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 2024 khoảng 5%.
Cuối tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố mức cắt giảm dự trữ bắt buộc sâu nhất trong hai năm cho các ngân hàng, gửi tín hiệu hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cần phải hành động nhiều hơn để tăng niềm tin và nhu cầu của người dân.
Citigroup dự báo CPI cả năm 2024 của Trung Quốc tăng 1,2% so với cùng kỳ 2023. Năm ngoái, lạm phát nước này chỉ tăng 0,2%, thấp hơn mục tiêu 3%. "Các yếu tố mang tính chu kỳ với CPI có thể thay đổi năm nay, trong khi sức mạnh của lạm phát sẽ phụ thuộc vào mức độ hồi phục niềm tin người tiêu dùng", Citigroup nêu.
Cùng với chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 của Trung Quốc cũng hạ 2,5% so với cùng kỳ năm trước và 2,7% so với tháng 12/2023. Giá tại nhà máy đã giảm 0,2% so với tháng trước. Giảm phát nhà máy kéo dài đang đe dọa hoạt động các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc, vì bị mắc kẹt trong cuộc chiến giá rẻ trong lúc tìm cách sinh tồn.
Phiên An (theo Reuters, WSJ)