Trong khi người người, nhà nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết thì Nguyễn Văn Khánh Phong cùng các đồng đội ở đội tuyển thể dục dụng cụ nam lại phải ngày ngày lao vào tập luyện.
Nhớ nhà cũng phải ráng
Ngay sau Tết, Khánh Phong đã phải lên đường tham dự một loạt các giải World Cup Series của Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG). Mục tiêu của đội là tìm vé dự Olympic Paris 2024 thông qua những giải đấu này.
Khởi đầu của chuỗi sự kiện World Cup Series 2024 là giải đấu diễn ra tại Cairo (Ai Cập) từ ngày 15 đến 18-2 (tức mùng 6 đến mùng 9 ). Khánh Phong cùng các đồng đội sẽ lên đường vào ngày 12-2 (tức mùng 3).
Giành vé dự Olympic là mục tiêu quan trọng của thể dục dụng cụ nam trong năm nay. Do đó mà vài tháng qua, các VĐV trọng điểm đều đã tập trung về Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) để tập luyện.
Với Nguyễn Văn Khánh Phong, Nhổn đã là nhà của anh trong suốt bốn năm qua dù sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Dù vậy, đây là lần đầu tiên kể từ khi ra Hà Nội sinh sống, ăn tập mà anh không được về quê ăn Tết cùng gia đình.
Trong lần trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ vào tháng 11-2023, Khánh Phong từng nói anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần để ăn Tết ở Hà Nội rồi lên đường đi đấu giải luôn. Vậy mà khi năm mới sắp đến, chàng trai sinh năm 2002 vẫn không thể giấu nỗi nhớ nhà.
"Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ mấy tháng rồi, vậy mà gần đến Tết vẫn thấy bùi ngùi. Trừ quãng thời gian bốn năm tập huấn ở Hungary, chưa bao giờ tôi ăn Tết xa nhà như lần này. Cách đây mấy hôm tôi gọi về nhà thì mẹ tôi khóc sướt mướt. Nhìn thấy hình ảnh đó tôi lại càng buồn, càng nhớ nhà nhưng phải cố gạt cảm xúc qua một bên để tập trung tìm vé đi Olympic", Khánh Phong chia sẻ.
Món quà đặc biệt của Nguyễn Văn Khánh Phong
Căn nhà của cha mẹ Nguyễn Văn Khánh Phong nằm trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3). Sáng 28 tháng chạp (tức ngày 7-2 dương lịch), ông Nguyễn Văn Huy và bà Võ Thị Bích Huyên (cha mẹ của Phong) vẫn tất bật với công việc trông giữ xe cho nhân viên của hai ngân hàng gần nhà.
Vì chưa có thời gian rảnh nên hai ông bà cũng chưa thể dọn dẹp, trang trí nhà cửa và mua sắm chuẩn bị đón Tết. Trò chuyện cùng phóng viên Tuổi Trẻ, ông bà chia sẻ năm nay cũng chỉ làm đơn sơ vì mùng 2 sẽ về quê ăn Tết.
Nhắc đến Khánh Phong, bà Huyên lại rơi nước mắt. Vừa gạt nước mắt, bà vừa nói: "Thằng Phong xa nhà từ hồi bé xíu. Tôi nhớ năm mới 11, 12 tuổi nó đã đi chỗ này chỗ kia để thi đấu. Xong nó còn đi tập huấn nước ngoài rồi bốn năm nay thì sống ngoài Hà Nội.
Là cha mẹ, Tết đến xuân về chỉ mong con cái đoàn tụ với gia đình. Năm nay Phong không về được tôi buồn lắm. Nó cũng buồn nữa nhưng vợ chồng tôi cũng chỉ biết động viên con ráng tập luyện, thi đấu cho tốt. Được đi dự Olympic là niềm tự hào của mọi VĐV, bản thân chúng tôi là cha mẹ cũng sẽ thấy tự hào".
Cả năm, bà Huyên lúc nào cũng loay hoay với công việc quanh nhà nên ít có dịp gặp con. Còn ông Huy thì tranh thủ dịp nào Phong thi đấu sẽ bay ra Hà Nội gặp con. Thậm chí có khi ông còn ra nước ngoài để vừa xem con đấu giải, động viên con trai.
Tại SEA Games 31 Hà Nội năm 2022, ông Huy đã đi ra thủ đô xem con thi đấu. Đáng tiếc khi thời điểm đó, Khánh Phong mắc lỗi tiếp đất khi thi đấu nội dung vòng treo và chỉ giành huy chương bạc.
Một năm sau tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia, ông Huy đón xe đò từ TP.HCM sang Phnom Penh để cổ vũ cho con. Lần này, ông đã được thấy Phong đổi màu thành huy chương vàng.
Ông Huy vừa cười vừa nói đùa: "Con cái xa nhà thường tranh thủ có dịp về thăm cha mẹ, mà ở đây cha mẹ lại phải đi thăm con còn nhiều hơn".
Với Phong, không thể về nhà nhưng anh cũng đã tặng cho cha mẹ món qua đặc biệt là một chú cún mới 3 tháng tuổi. Thông qua một người bạn, anh tìm được chú cún ưng ý rồi gửi từ Hà Nội vào TP.HCM cho cha mẹ nuôi.
"Khánh Phong thì không ở nhà, còn chị nó cũng bận phải đi làm. Cả ngày nhiều khi chỉ có hai vợ chồng tôi ở nhà trông xe cho người ta. Giờ có con chó này bầu bạn cũng vui, cũng đỡ thấy nhớ con khi nó vắng nhà", bà Huyên kể chuyện.
"Tôi luôn nỗ lực và hy vọng mình gặp may"
World Cup Series là hệ thống các giải quốc tế trực thuộc FIG, có nhiều VĐV hàng đầu thế giới góp mặt. Do đó tính cạnh tranh là rất cao, nhất là khi kết quả ở những giải này được dùng làm tiêu chuẩn cho Vòng loại Olympic Paris.
Ở tuyển thể dục dụng cụ nam, Nguyễn Văn Khánh Phong cùng các đồng đội cùng trang lứa như Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Trịnh Hải Khang,… là những niềm hy vọng lớn. Vài năm gần đây, nhóm VĐV này đã gặt hái không ít thành công và dần thay thế cho những đàn anh kì cựu Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành.
Cá nhân Khánh Phong cũng đã có một năm 2023 thành công khi ngoài tấm huy chương vàng SEA Games, anh còn giành được huy chương bạc châu Á và Asiad 19. Do đó nếu giữ được phong độ, VĐV của TP.HCM có thể hy vọng vào một tấm vé đến Paris.
Khánh Phong cho biết: "Ở giải đấu trên đất Ai Cập sắp tới, mục tiêu của tôi là vượt qua vòng loại để vào đấu chung kết. Tôi mơ đến việc lọt vào top 3 để có được huy chương. Để thực hiện mục tiêu, tôi luôn nỗ lực mỗi ngày, hy vọng mình sẽ gặp may để được đứng trên bục nhận huy chương".
VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong và các thành viên đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam đã được thưởng lớn sau thành tích tại Asiad 19.