vĐồng tin tức tài chính 365

Náo nức khơi xa…

2024-02-10 10:39

Ngày mới bắt đầu

5h30, qua hệ thống loa phát thanh được gắn tại mỗi khoang tàu, giọng nói của Thượng uý Nguyễn Văn Duẩn, chính trị viên của Tàu 924 vang lên: “Toàn tàu báo thức… Báo thức toàn tàu”. Không khí yên tĩnh đang bao trùm nhanh chóng chuyển sang thanh âm rộn ràng. Tiếng đồng nghiệp giục nhau dậy, tiếng nước chảy, tiếng đánh răng, rửa mặt của cơ số người khiến âm thanh trầm bổng như một bản nhạc. Bên cạnh đó, có tiếng đập cửa nhà vệ sinh: “Các bác ơi…, nhanh cho em vào với” và tiếng cười trêu chọc trên nỗi “đau khổ” của người khác: “Đọc không đúng mật khẩu nên không được vào”.

6h00, giọng nói của chính trị viên Nguyễn Văn Duẩn lại vang lên trên loa phát thanh: “Mời đoàn công tác về các vị trí đã được sắp xếp để ăn sáng”. Âm thanh mới vang lên. Tiếng sửa soạn, bày bát đũa lách cách hoà với tiếng dọn dẹp chén bát của những thành viên đã dùng xong bữa sáng. Thượng uý chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thịnh hồ hởi chào đón ngay cửa boong tàu: “Có mì bò và mì gà đã sẵn sàng, em muốn dùng gì”. Câu trả lời: “Em ăn mì không có thịt gì liệu có được không?”. Bếp trưởng Nguyễn Văn Thịnh sang sảng đáp: “Có ngay. Có ngay. Nước sôi. Nước sôi”.

6h30 kết thúc chương trình ăn sáng. Hôm nào tàu cập được cảng thì một bước lên đất liền, nhưng có những đảo không cập được cảng thì trung chuyển qua 2 thuyền mới đặt chân được lên đảo. Hành trình chuyển tàu tưởng đơn giản mà lại gian nan, bởi thành viên trong đoàn không đồng đều về độ tuổi, sức khoẻ, cân nặng… Sự nghiêm túc, tập trung cao độ của các sĩ quan, chiến sĩ trên tàu khi hỗ trợ các thành viên trong đoàn chuyển tàu được thể hiện trong từng lời nói, từng hành động, khiến bầu không khí trước đó lúc nào cũng tưng bừng bỗng chùng lại, căng thẳng theo từng cơn sóng chồm lên, hạ xuống, đặc biệt khi thuyền nhỏ đập mạnh vào mạn tàu.

Tàu 924 được coi là "nhà"

Tàu 924 được coi là "nhà"

Lữ đoàn trưởng, Trung tá Đàm Oanh trực tiếp giám sát, nhắc các sĩ quan, chiến sĩ hướng dẫn động tác cho từng thành viên của đoàn; rồi trên tàu cẩn trọng giữ, dưới thận trọng đỡ… Còn Hải đội trưởng, Trung tá Phan Thanh Bình nhắc các thành viên nữ bình tĩnh, thành viên nam không chủ quan khi thực hiện thao tác lên xuống. Gương mặt của các sĩ quan, chiến sĩ chỉ giãn ra, nụ cười quay trở lại bởi chiến thuật bọc lót trên dưới, trong ngoài, hiệp đồng ăn ý, nhịp nhàng khi thực hiện các đợt trung chuyển đoàn công tác an toàn.

Ở đâu có dân là có núi, có sông, có biển…

Trên đảo Nam Du, đoàn công tác đến thăm cá lồng bè của gia đình anh Phạm Văn Lưu ở ấp An Cư, xã An Sơn, huyện Kiên Hải. Là ngư dân sinh ra ở Quảng Bình, nhưng do cuộc sống khó khăn, thời thanh niên, anh Lưu theo bạn bè vào Kiên Giang sinh sống đến nay đã gần 24 năm. Thời gian đầu, anh chủ yếu đánh bắt cá ngoài biển, sau khi lập gia đình bắt đầu nuôi cá, nhưng đến năm 2009 mới nuôi cá lồng bè, chủ yếu là cá bớp, cá mú.

Anh Lưu cho biết, trước khi nuôi cá lồng bè, kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng nghĩ mình có điều kiện được ở trên “biển bạc” thì không thể khó khăn mãi nên vay mượn người quen cùng với số tiền tiết kiệm được 200 triệu đồng làm lồng bè nuôi cá. 5 năm trở lại đây, anh được tạo điều kiện vay vốn tại Agribank xấp xỉ 700 triệu đồng, lãi suất 10,5%/năm, nên gia đình đã có “đồng ra, đồng vào”.

“Doanh thu một năm khoảng 500 triệu đồng, trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận mang về 100 triệu đồng. Bè cá hiện nay vừa nhỏ, vừa cũ nên tôi muốn được vay thêm để làm lại bè mới và mở rộng, làm bè du lịch”, anh Lưu chia sẻ.

Anh Võ Công Hậu, cán bộ tín dụng địa bàn xã An Sơn và Nam Du của Agribank cho hay, Ngân hàng chưa có điểm giao dịch tại đảo Nam Du nên 1 tháng, anh Hậu ra đảo ở 2 tuần để thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho bà con, ngư dân nơi đây.

Tính đến cuối năm 2023, Agribank chi nhánh huyện Kiên Hải huy động được 78,65 tỷ đồng, không đạt kế hoạch 100 tỷ đồng, nhưng cho vay 671,18 tỷ đồng, vượt mục tiêu đặt ra là 650 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank nói: “Ở đâu có dân, ở đó sẽ có Agribank”.

Theo bà Phượng, các đảo hiện giữ được môi trường tự nhiên rất tốt. Nếu nơi đây được quy hoạch tổng thể sẽ thu hút du lịch và được đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng, giao thông. Trong tương lai sẽ thu hút khách du lịch không kém các đảo của Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia…

Không chỉ nuôi cá lồng bè, anh Lưu còn làm thêm dịch vụ đưa đón khách đến đảo Nam Du đi lặn biển, sau đó nấu nướng phục vụ khách dùng bữa khi kết thúc buổi lặn.

Chia tay đoàn công tác trong nắng chiều chói chang, anh Lưu chỉ vào tấm biển trên tàu ghi số điện thoại bừng sáng bởi những tia nắng xuyên qua mành mành trên mui tàu và nhắn nhủ: “Các anh chị lưu số điện thoại của em vào nhé. Hy vọng ngày nào đó quay lại đảo Nam Du, các anh chị gọi điện thoại để em được cung cấp các dịch vụ du lịch với giá (dành cho) người nhà”.

Như tia nắng say

11h30, rang người trong nắng nóng như đổ lửa trên đảo, không có chút gió, vài phóng viên đi bộ về Tàu 924. Đỡ các thành viên lên tàu, Phó thuyền trưởng, Trung uý Chu Đình Dương có vẻ mặt ngạc nhiên, bởi bữa trưa là trên đảo mời cơm đoàn công tác. Phóng viên hỏi Phó thuyền trưởng: “Tàu là nhà, các chị nhớ nhà, muốn về nhà ăn cơm có được không?”. Phó thuyền trưởng vui vẻ đáp: “Sao lại không được. Nhà là nơi để quay về mà”. Bát đũa được dọn ra thêm, bữa ăn đầm ấm, sum họp lại tiếp tục…

Lại nhớ khuôn mặt đầy quan ngại bởi lần đầu lênh đênh trên biển của Lê Thanh, phóng viên Báo Tuổi trẻ khi hỏi chiến sĩ nghĩa vụ trên Tàu 924 Nguyễn Dương Khải Minh: “Đi biển đợt này liệu có bị say sóng không em?”. Minh trả lời: “Có chứ chị. Em khỏe thế này mà còn say quắc cần câu, huống hồ các chị”. Lê Thanh hy vọng: “Chắc tàu mình to thế này cũng sẽ đỡ say”. Minh đáp: “Không chị. Tàu mình nhỏ hơn tàu đi đầu nên dễ say sóng”. Lê Thanh vớt vát: “Thôi thì mình ở tầng 1, được cái yên tĩnh bù lại”. Minh nói: “Chưa chắc đâu chị. Đêm nằm sóng vỗ bồm bộp hai bên mạn tàu, vui tai luôn”. Lê Thanh cười rõ là tươi, nhưng nhìn kỹ thì như sắp khóc. Thấy vậy, chiến sĩ Minh láu lỉnh lướt đi như kiểu: “Đã quá, đã quá. Đã doạ được bà chị”.

Hội ngộ rồi cũng phải chia ly, Thuyền trưởng, Đại uý Cao Minh Hiếu nói: “Chúng em mừng lắm, bởi đoàn công tác đều khoẻ mạnh, không say sóng, tham gia được hết các hoạt động. Mong được gặp lại đoàn công tác vào một ngày gần nhất”.

7 ngày đêm trên Tàu 924 và các đảo thuộc vùng biển Tây Nam là không gian, là khoảng thời gian, là ngày tháng của chúng tôi với những niềm vui và kỷ niệm ấm áp. Những gì xuất phát từ trái tim đã chạm đến trái tim…

Từ ngày 14 - 20/1/2024, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thực hiện nhiệm vụ chở Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Agribank, phóng viên đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo và phát triển kinh tế biển, góp phần hiện thực hoá các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về biển và phát triển bền vững kinh tế biển.

Xem thêm: lmth.532933tsop-ax-iohk-cun-oan/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

“Náo nức khơi xa…”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools