Một vài năm trước, Indonesia đã bắt đầu tìm cách biến kho báu niken của mình thành một cơn bùng nổ sản xuất ô tô điện.
Nước này áp đặt lệnh cấm sâu rộng đối với xuất khẩu niken thô. Điều đó có nghĩa là các công ty muốn khai thác nguồn khoáng sản lớn nhất thế giới tại đây sẽ phải xây dựng các nhà máy luyện kim ở Indonesia. Các quan chức đặt cược rằng các nhà máy sản xuất pin xe điện (EV) và ô tô điện cũng sẽ nối gót đến Indonesia.
Các nhà máy luyện kim xuất hiện, dẫn đến tăng trưởng bùng nổ của ngành công nghiệp niken tại Indonesia. Nhưng để cung cấp năng lượng cho ngành, nước này đang sử dụng lượng than quá mức và có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu khí hậu. Người Indonesia vẫn đang chờ đợi các nhà sản xuất xe điện đặt dây chuyền sản xuất tại đây.
Các nhà máy luyện kim mới do Trung Quốc xây dựng nằm rải rác trên đảo quốc. Giá trị xuất khẩu niken của Indonesia tăng bốn lần kể từ năm 2019 lên khoảng 33 tỷ USD.
Indonesia chiếm một nửa nguồn cung niken toàn cầu, tăng so với 1/4 trong năm 2018. Nhưng không phải ai cũng tin thứ kim loại “vàng xanh” này là viên đạn bạc.
Các nhà máy luyện niken đã dẫn đến việc sử dụng than tăng vọt. Các nhà máy than mới mọc lên khi thế giới đang cố gắng loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Một báo cáo tháng 1 của Climate Rights International cho biết một khu công nghiệp tập trung vào niken nằm trên quần đảo Maluku, phía đông Indonesia, sẽ đốt nhiều than hơn Tây Ban Nha hoặc Brazil khi nó hoạt động hết công suất.
Cái tên “niken bẩn” đang đe dọa những cơ hội kinh tế mà Indonesia đang khao khát. Vào tháng 10, chín thượng nghị sĩ Mỹ đã ký một lá thư phản đối một thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất nhằm lấy nguồn khoáng sản quan trọng từ Indonesia, với lý do lo ngại về môi trường và an toàn. Nếu không có thỏa thuận thương mại tự do, pin EV chứa lượng đáng kể niken được xử lý ở Indonesia sẽ không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế lớn của Mỹ.
Điều đó làm cho niken của đất nước kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất xe điện phương Tây.
Các vấn đề về niken cũng đang thúc đẩy các nhà sản xuất xe điện phải chế tạo lại pin ô tô mà không sử dụng niken. Một giải pháp thay thế là sử dụng lithium-iron-phosphate đang thu hút sự chú ý, mặc dù độ mạnh vẫn kém hơn so với pin chứa niken.
Tổng thống Indonesia Widodo từ lâu đã nói rằng mục tiêu cuối cùng không phải là nội địa hóa quá trình xử lý niken mà là thu hút các nhà máy sản xuất xe điện và pin.
Nhưng cho đến nay, các nhà sản xuất xe điện vẫn chưa đổ xô vào Indonesia. Tesla hay các hãng sản xuất ô tô phương Tây vẫn chưa cho phát đi tín hiệu nào cho thấy họ có kế hoạch mở một nhà máy ở nước này. Thậm chí, một số hãng như Ford, đã thực hiện các thỏa thuận hạn chế nguồn cung niken.
Các nhà sản xuất ô tô thường xây dựng nhà máy sản xuất pin và xe điện tại những thị trường mà ô tô điện phổ biến. Điều đó khiến Indonesia – nơi có rất ít người tiêu dùng chuyển từ sử dụng xe động cơ đốt trong sang xe điện, rơi vào thế bất lợi. Indonesia có mạng lưới sạc khá hạn chế và xăng dầu được trợ giá rất nhiều.
Septian Hario Seto, một quan chức cấp cao của Indonesia tham gia hoạch định chính sách niken, thừa nhận rằng các nhà máy sản xuất pin xe điện và ô tô phát triển chậm hơn so với các nhà máy luyện niken. Chính phủ đã đưa ra các quy định mới để giải quyết vấn đề đó, ví dụ như quy định giúp các nhà sản xuất xe điện đưa ô tô vào Indonesia dễ dàng hơn với điều kiện sau đó họ phải xây dựng nhà máy tại đây.
Tháng trước, gã khổng lồ xe điện BYD của Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu bán ô tô ở Indonesia và khởi công một nhà máy sản xuất vào cuối năm nay.
Nhìn chung, chính sách niken đã thành công khi giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các khu vực kém phát triển hơn, tạo việc làm, và đóng góp thuế, ông Seto nhận định. Ngoài ra, chính phủ đã thực hiện các bước để hạn chế suy thoái môi trường, trong đó có nỗ lực đưa các dự án thủy điện vào hoạt động như một giải pháp thay thế cho than.
Theo WSJ