Tri ân cựu chiến binh Vị Xuyên
Ông Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã trao quà cho hơn 200 cựu chiến binh và 100 nạn nhân của bom mìn ở Vị Xuyên. Mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng. Đây là những suất quà do nhóm "Chia sẻ - Sharing" và các nhà hảo tâm quyên góp để tri ân các cựu chiến binh.
Hơn 200 cựu chiến binh từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) xúc động gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm của thời trai trẻ cống hiến cho Tổ quốc. Nhiều người may mắn còn sức khỏe, nhiều người trong số họ đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường biên giới.
Ông Nguyễn Đức Thắng - cựu chiến binh ở xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên - cho hay những người cựu chiến binh Vị Xuyên luôn tự hào đã đóng góp máu xương của mình để bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
Ông Thắng dõng dạc: "Chúng tôi từng sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá thành bất tử. Chúng tôi luôn phát huy truyền thống tự hào, vượt lên chính mình để góp phần xây dựng quê hương".
Ông Vũ Văn Giữa - cựu chiến bình ở xã Hùng An, huyện Bắc Quang (Hà Giang) - chia sẻ mỗi lần về Vị Xuyên, gặp lại đồng đội là một lần được sống lại như ngày còn bám đá đánh giặc. Theo ông, dịp lễ Tết nào ông cũng được chính quyền địa phương quan tâm, động viên, thăm hỏi, nhưng những lần được gặp mặt đông đủ và những món quà tri ân ấm áp như lần này khiến ông vô cùng xúc động.
"Tôi cũng bất ngờ vì những người ở tận miền Nam, Quảng Ninh ra tận đây để động viên, tặng quà cho chúng tôi. Đã 45 năm qua nhưng không bị lãng quên, mọi người vẫn nhớ, vẫn tri ân bộ đội", ông Giữa xúc động.
Khánh thành điểm trường biên giới hơn 1,7 tỉ đồng
Cùng ngày, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và đoàn công tác đã dự lễ khánh thành điểm trường Bản Hình (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên).
Điểm trường Bản Hình có 546 học sinh từ mầm non và các lớp tiểu học đang theo học.
Thung lũng Bản Hình cách trung tâm xã Minh Tân khoảng 6km. Bà con muốn đến xã phải vượt đèo, rất khó khăn. Điểm trường có 36 thầy cô giáo ở lại bám bản để dạy chữ cho học sinh.
Điểm trường Bản Hình được đầu tư xây dựng gồm khu nhà lớp học 2 tầng, sửa chữa nhà bếp, nhà ăn bán trú và nhà vệ sinh cho học sinh, tổng kinh phí 1,750 tỉ đồng. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ 1,150 tỉ đồng, ngân sách huyện Vị Xuyên góp 600 triệu đồng.
Bà Lộc Thị Lự, 75 tuổi, người dân thôn Bản Hình, cho hay lớp học cũ ở đầu bản, gần nhà bà. Trước đây lớp học bị dột, các thầy cô giáo và bọn trẻ đến học rất vất vả. Nhà lớp học mới này xây hai tầng, có 8 phòng học, lại có bàn ghế mới, dân bản rất vui.
"Bà có 8 đứa con trai, 5 đứa con gái thì hôm nay có 5 đứa con đi xem khánh thành này rồi!", bà Lự vui vẻ nói. "Cả mấy đứa con dâu cũng đến. Gửi cháu bà học ở đây cho cô giáo dạy chữ thì quá tốt rồi! Có cái chữ, sau này chúng nó đi làm giàu, không phải nghèo như các bà nữa!".
Ông Hoàng Gia Long - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang - cho hay huyện Vị Xuyên có 5 xã biên giới thì có tới 11 điểm trường chính cần được nâng cấp, sửa chữa.
Trong đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Hà Giang, để nâng cao chất lượng dạy học thì phải chuyển dần học sinh ở nơi khó khăn ra điểm trường chính. Tuy nhiên, ở điểm trường chính các xã biên giới lại chưa đảm bảo điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh, thiếu nhà lưu trú, thiếu một số các công trình, thiết bị phụ trợ…
"Ngay ở điểm trường Bản Hình này dù mới được đầu tư nhưng vẫn thiếu. Các thầy cô đã đề xuất, cần chỗ cho học sinh ở bán trú, cần thêm máy lọc nước công nghiệp, giếng khoan… để chủ động nguồn nước", ông Long nói.
Trưa 17-2, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và đoàn công tác đã đến nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.