Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết trong thời gian Tết vừa qua đơn vị đã tiếp nhận một số trường hợp ở tỉnh chuyển đến vì bị chó dại cắn.
Có trường hợp chuyển nặng, không qua khỏi.
Điển hình như trường hợp bé gái T.T.H.T. (4 tuổi, ngụ xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vừa tử vong sau 9 ngày bị chó nhỏ khoảng 5 - 6 tháng tuổi cắn tại vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má trái.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Hàm Tân, bé gái T.T.H.T. vào thời điểm sau khi bé bị chó cắn nhiều vị trí ở mặt nhưng người nhà nạn nhân đã không xử lý vết thương tại chỗ, không tiêm phòng dại nhưng đưa đi điều trị dại bằng phương pháp dân tộc.
Con chó cắn bé T. có biểu hiện hung dữ, chảy nước bọt nhiều và bị đánh chết sau đó. Không có ai bị con chó cắn hay bị văng nước bọt lên niêm mạc.
Trước đó, bé T. có biểu hiện lừ đừ, buồn nôn và nôn sau 7 ngày bị chó cắn.
Qua ngày sau, nạn nhân có triệu chứng sợ gió, nôn ói, sốt nhẹ và được đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi. Tại đây, bé được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) trong tình trạng nặng và được trả về trong cùng ngày.
Trung tâm Y tế Hàm Tân đã điều tra người tiếp xúc, nguồn lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng để điều trị dự phòng bệnh dại cho những người phơi nhiễm tại khu vực ổ dịch.
Đối với chó mèo của các hộ gia đình lân cận đã được bắt nhốt tại gia đình để theo dõi, không thả rông ra ngoài.
Trường hợp khác là bệnh nhân V.V.T. (53 tuổi, ngụ huyện Krông Búk, Đắk Lắk) được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chẩn đoán chưa loại trừ được cơn dại sau khi nhập viện vì sốt không rõ nguyên nhân, viêm màng não, nhiễm trùng máu… Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục theo dõi, điều trị.
Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, phòng khám, tư vấn tiêm chủng Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận gần 90 trường hợp (90% là trẻ em) bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào.
Hoàn cảnh bị vật nuôi tấn công chủ yếu xảy ra khi người dân đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc vật nuôi trong dịp Tết.
Điều quan ngại, nhiều vật nuôi tấn công người nhưng không được tiêm vắc xin phòng dại trước đó.
Chó mèo cắn, đến ngay cơ sở y tế tiêm phòng dại
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch.
Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.
Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành liên tục ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại. Đây là chuyện buồn chưa có hồi kết khi tình trạng nuôi chó thả rông không rọ mõm vẫn tiếp diễn, còn nạn nhân lại chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại.