Đường không đồng nhất dễ gây hiểu nhầm
Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Cường, giảng viên môn đường ô tô - đường thành phố (khoa xây dựng cầu đường, ĐH Bách khoa Đà Nẵng), để đạt tiêu chuẩn tối thiểu của đường cao tốc, hơn 160km đường từ Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ (nối từ Đà Nẵng đến Quảng Trị) cần tiếp tục được đầu tư hạ tầng.
Đầu tiên là phải đầu tư để đạt các tiêu chuẩn mặt cắt ngang hoàn chỉnh thì cần đủ các yếu tố cơ bản của đường cao tốc từ dải phân cách, phần xe chạy, làn dừng xe khẩn cấp (lề gia cố), lề đất, lan can phòng hộ…
Về các yếu tố liên quan như độ dốc, đường cong thì cần đảm bảo độ dốc dọc tối đa, bán kính đường cong tối thiểu, tầm nhìn…
Về thiết kế các điểm dẫn nhập lối ra vào cao tốc thì cần cấu tạo và tính toán cẩn thận hình dạng, chiều dài, chiều rộng, vạch sơn, biển báo…
Theo đánh giá của ông Cường, hiện các đoạn nhập làn trên tuyến này khá ngắn so với tiêu chuẩn quốc tế, nhất là khi so với tiêu chuẩn HCM (tiêu chuẩn cao tốc Hoa Kỳ).
"Việc giảm các kích thước mặt cắt ngang như bỏ dải phân cách cứng, làn dừng xe khẩn cấp, thậm chí giảm bớt làn xe chạy và thay bằng các đoạn mở rộng vượt xe sau 10km vô tình làm cho đường không đồng nhất. Từ đó gây hiểu nhầm cho người lái xe, tiềm ẩn nguy cơ an toàn giao thông rất lớn", ông Cường nhận định.
Địa hình đồi núi làm cao tốc 1 làn rất nguy hiểm
Ngoài ra cần tăng cường hệ thống cảnh báo và truyền thông giúp người lái xe ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn. Đặc biệt tại các vị trí như nhập, tách dòng, đường cong, các đoạn dốc lớn và dài cũng như việc phải đảm bảo tốc độ và giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước…
Việc tăng cường giám sát giao thông, xử phạt nghiêm các hành vi lấn làn, vượt ẩu cũng là một giải pháp cần thiết phải thực hiện trước khi cải tạo thành tuyến có mặt cắt ngang hoàn chỉnh.
Không riêng miền Trung có kiểu thiết kế cao tốc giai đoạn 1 chỉ một làn đường mỗi bên, không có dải phân cách mà nhiều nơi cũng được đầu tư tương tự. Tuy nhiên tại miền Trung, ngoài những hạn chế về thiết kế hạ tầng thì có thêm điều kiện tự nhiên khiến nguy cơ tai nạn rình rập.
"Tôi hiểu những kỹ sư cũng đã cố gắng có những giải pháp theo kiểu 'con nhà khó' nhằm đảm bảo thi công, nhưng kỳ thực không nên quy hoạch làm cao tốc 1 làn xe mỗi chiều ở địa hình này.
Bản thân tôi cũng khuyên những tay lái non kinh nghiệm chọn quốc lộ thay vì tuyến này vì đường quanh co đồi dốc, lại không đủ kích thước mặt cắt ngang, nguy cơ đối mặt xe chạy ẩu lấn làn mọi lúc mọi nơi", ông Cường phân tích.
Theo ông Cường, với địa hình từ Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ là đồi núi cao, nên để đảm bảo các tiêu chuẩn như quốc tế thì kinh phí rất lớn vì phải làm nhiều cầu, hầm và bạt núi nhiều nơi.
Cao tốc đủ chuẩn thì lối ra vào là nguy hiểm nhất
Thạc sĩ Cường cho hay theo kinh nghiệm đúc kết trong các tiêu chuẩn cao tốc thế giới thì đường cao tốc có nguy cơ xảy ra va chạm nhất là ở lối ra vào vì là nơi nhập và tách dòng rất lớn. Khi mỗi hướng xe chạy có nhiều hơn 1 làn xe thì việc nhập tách sẽ an toàn hơn.
Theo tiêu chuẩn cao tốc thế giới, tối thiểu 2-3 làn xe cơ giới mỗi chiều, thậm chí có nơi tới 4-6 làn xe và cho phép lưu thông tốc độ cao đến 200km/h.
Trong khi chờ cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý đường theo dõi, rà soát xử lý tình huống phát sinh trong quá trình khai thác.