Gã khổng lồ công nghệ Alibaba đang đặt cược vào mảng kinh doanh nước ngoài trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong nước vẫn khó khăn.
Một điểm sáng trong báo cáo kết quả kinh doanh của Alibaba là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu của họ đạt doanh thu 28,5 tỷ NDT (4 tỷ USD) trong quý 4 của năm, tăng 44% so với 1 năm trước. Chi nhánh Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC) gồm AliExpress, Lazada, Daraz và Trendyol.
"Kết quả kinh doanh tốt được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng mạnh trên khắp các nền tảng bán lẻ của AIDC, đặc biệt là từ nền tảng Choice của AliExpress".
Trong khi đó, doanh thu từ những hoạt động thương mại điện tử cốt lõi của công ty như Taobao và Tmall đạt 18,1 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với năm trước.
"Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư để cải thiện trải nghiệm cốt lõi của người dùng nhằm tăng trưởng cho Taobao và Tmall cũng như củng cố vị thế lãnh đạo thị trường trong những năm tới. Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào những nguồn lực phát triển sản phẩm điện toán đám mây và duy trì động lực tăng trưởng mạnh mẽ của mảng kinh doanh thương mại điện tử quốc tế", CEO Eddie Wu phát biểu.
Mặc cho tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh của AIDC, mức thua lỗ cũng tăng so với năm trước chủ yếu là do "tăng đầu tư vào các mảng kinh doanh gồm Choice của AliExpress và hoạt động quốc tế của Trendyol".
Kết quả kinh doanh quý được công bố sau hàng loạt những xáo trộn về ban lãnh đạo tại Alibaba và cả các chi nhánh. Nền tảng thương mại điện tử tại Pakistan là Daraz đã thay CEO Bjarke Mikkelson vào ngày 24/1. James Dong, CEO của Lazada đã trở thành CEO mới của Daraz. Công ty nói rằng ông Dong sẽ "nỗ lực để tích hợp sâu hơn giữa Daraz và những công ty anh chị em khác".
Đầu tháng 1, Lazada cũng chứng kiến một đợt sa thải lớn trên khắp Đông Nam Á, ảnh hưởng tới nhân viên ở mọi cấp bậc bao gồm cả những lãnh đạo cấp cao. Việc cắt giảm xuất hiện tại tất cả các phòng ban gồm thương mại, bán lẻ, marketing.
Một nguồn tin nội bộ nói rằng, đợt cắt giảm mạnh ở Lazada nhắm tới việc "hợp lý hóa việc ra quyết định và tăng hiệu quả tổ chức và kinh doanh".
Yinglan Tan – đến từ Insignia Ventures Partners nói: "Bản chất của AIDC là một danh mục đầu tư của các doanh nghiệp đa dạng và phức tạp riêng lẻ từ Daraz đến Lazada cũng đóng một yếu tố quan trọng. Việc thắt chặt con tàu có thể được thiết kế để củng cố quỹ đạo tăng trưởng, giảm rủi ro không chắc chắn khi hoạt động trong nhiều thị trường cạnh tranh".
Xáo trộn lãnh đạo
2023 là một năm khó khăn với Alibaba khi kế hoạch chia tách mảng điện toán đám mây bị trì hoãn. Hồi tháng 6, Alibaba nói rằng Eddie Wu sẽ thay thế Daniel Zhang trở thành CEO công ty và ông Zhang sẽ tập trung vào mảng điện toán đám mây. Wu là CEO thứ 4 của công ty kể từ khi công ty thành lập vào năm 1999. Zhang cũng bất ngờ rời khỏi mảng điện toán đám mây vào tháng 9 và Wu trở thành chủ tịch và CEO của Cloud Intelligence Group của Alibaba. Zhang đã nhấn mạnh mong muốn của ông rời khỏi vai trò chủ tịch và CEO của mảng điện toán đám mây.
Hồi tháng 12, Wu cũng đảm nhận vị trí CEO của Taobao và Tmall, thay thế Trudy Dai. Bước đi này nhằm đảm bảo "những khoản đầu tư đáng kể và bền vững" vào thương mại điện tử và điện toán đám mây. Alibaba đang đối mặt với áp lực gai tăng khi các đối thủ gồm cả PDD làm xói mòn thị trường.
Hòi tháng 3, Alibaba nói rằng họ sẽ chia tách thành 6 chi nhánh kinh doanh và tìm cách IPO từng mảng. Zhang nói với các nhà dầu tư rằng bước đi này sẽ cho phép các mảng kinh doanh của Alibaba "trở nên nhanh nhẹn, mở ra khả năng ra quyết định nhanh chóng và phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường".
"Giữ cho tổ chức của họ linh hoạt và có khả năng thích ứng luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo công nghệ Trung Quốc. Điều này càng trở nên cấp bách hơn trước sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh và những thay đổi của môi trường bên ngoài", Momentum Works cho biết trong một báo cáo tháng 1 có tiêu đề "Tìm hiểu những thay đổi căn bản nhất trong lịch sử của Alibaba".
Bắt chước những động thái của công ty mẹ, đội ngũ lãnh đạo của Lazada cũng đã nhận thấy những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.
Dong đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Tập đoàn Lazada từ Chun Li vào tháng 6/2022, sau khi điều hành các hoạt động của công ty tại Thái Lan và Việt Nam. Trước đó, Dong là người đứng đầu chiến lược toàn cầu hóa và phát triển doanh nghiệp tại Tập đoàn Alibaba và từng là trợ lý kinh doanh cho cựu CEO Zhang.
Vào năm 2020, Li đảm nhận vai trò này từ Pierre Poignant, người kế nhiệm Lucy Peng vào tháng 12/2018, người mới làm công việc này được 9 tháng.
Cạnh tranh khốc liệt
Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử từng đưa Alibaba đến thành công nay đang gặp phải thách thức với các đối thủ mới nổi như PDD, trong khi tăng trưởng tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn chậm chạp.
PDD Holdings có trụ sở tại Trung Quốc báo cáo doanh thu quý 3 tăng gần gấp đôi, vượt xa mức tăng trưởng 9% của Alibaba trong cùng kỳ. PDD cho biết doanh thu trong quý là 9,44 tỷ USD, tăng 94% so với 4,99 tỷ USD trong cùng quý năm 2022. Alibaba công bố mức tăng trưởng doanh thu 9% so với cùng kỳ trong quý 3 lên khoảng 31 tỷ USD.
Theo dữ liệu của LSEG, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Alibaba đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 309,4 đôla Hồng Kông (39,59 USD) vào ngày 28/10/2020. Cổ phiếu đóng cửa ở mức 71,50 đôla Hồng Kông vào thứ hai.
Tương tự, chi nhánh Đông Nam Á của Alibaba là Lazada đang cố gắng chống lại sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực từ các đối thủ như Sea Limited, TikTok Shop.
Theo: CNBC