Đây là chỉ đạo được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại phiên họp sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn.
Hiện TP.HCM có 3 ban chỉ đạo: cải cách hành chính, Đề án 06 và chuyển đổi số. Vấn đề hợp nhất 3 ban chỉ đạo này được đặt ra tại phiên họp sơ kết. Ông Mãi giao Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất trong quý 1/2024 theo hướng nếu có điều kiện thì hợp nhất 3 ban chỉ đạo cho tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Hồi cuối tháng 1.2024, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định hợp nhất 3 ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06.
Đánh giá 2 năm thực hiện Đề án 06, ông Mãi cho biết TP.HCM thực hiện khối lượng công việc rất lớn, có đóng góp trực tiếp, tích cực cho quản lý, phát triển kinh tế xã hội. Đây là một trong những điều kiện có tính chất nền tảng, hỗ trợ cho chuyển đổi số quốc gia và địa phương.
Chuyển đổi số là một nội dung trong chủ đề năm 2024 của TP.HCM. Ông Mãi đề nghị các sở ngành, đơn vị bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu của thành phố.
Trong đó, Công an TP.HCM và Sở TT-TT rà soát, tham mưu UBND TP.HCM ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 ngay trong tháng 2. Đồng thời, tập trung đánh giá hiện trạng, đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, trong đó có hoạt động của Đề án 06. Như vậy, nơi sử dụng phải thống kê được nhu cầu. Sở Tài chính đề xuất kinh phí để HĐND TP.HCM bố trí ngân sách.
Về số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của TP.HCM, ông Mãi yêu cầu tập trung hoàn thiện, làm sạch và phát triển, khai thác để tạo ra giá trị. Cốt lõi là người dùng, từng sở ngành, địa bàn phải cập nhật, đảm bảo an ninh an toàn.
"Trước mắt đề xuất ngân sách hỗ trợ lực lượng trực tiếp hoàn thiện, làm sạch dữ liệu. Sau này khi khai thác được dữ liệu rồi thì sẽ lấy kinh phí từ kinh tế dữ liệu để phát triển", ông Mãi nói thêm.
Liên quan đến các hệ thống dùng chung của toàn TP.HCM, Sở TT-TT được giao phối hợp sở, ngành chuyên môn xác định các ứng dụng dùng thống nhất trên toàn địa bàn, trong đó ưu tiên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, các thủ tục thiết yếu theo Đề án 06, ứng dụng giao tiếp giữa chính quyền và người dân (app công dân), nền tảng quản trị thực thi.
Dữ liệu vẫn chưa liên thông
Theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06, TP.HCM đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực hoàn thiện thể chế, cung cấp tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công thiết yếu, triển khai các mô hình điểm của đề án, thanh toán không dùng tiền mặt…
Ở lĩnh vực công dân số, nhóm phục vụ phát triển công dân số, công an mở nhiều đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đến nay, toàn TP.HCM đã thu nhận được hơn 7,7 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip và gần 5,6 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc, UBND TP.HCM cho biết hệ thống đường truyền dịch vụ công trực tuyến chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra hiện tượng mất kết nối vào những khung giờ cao điểm, nhiều người cùng sử dụng.
Việc thực hiện thủ tục hành chính trên 2 ứng dụng (hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM và hệ thống giải quyết thủ tục của bộ, ngành Trung ương) gây mất thời gian, chậm trễ trong tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ.
Các thông tin trong tài khoản định danh điện tử mức 2 của công dân thông qua ứng dụng VNeID vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến việc người dân chưa nhiệt tình ủng hộ, tham gia đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2.
Bên cạnh đó, các thông tin về giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được chia sẻ, tích hợp kịp thời khi người dân tạo lập, kích hoạt tài khoản ảnh hưởng đến lòng tin của người dân về tiện ích của VNeID.