Như đã thông tin: Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Theo Bộ Công an, rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Trong đó hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về lái xe, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Vì thế, theo Bộ Công an, nên tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe.
Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Hoan nghênh Bộ Công an đã dứt khoát, những trường hợp ngoại lệ chỉ là số ít
Ủng hộ sự quyết liệt của Bộ Công an, bạn đọc mail msha****@gmail.com nêu ý kiến: "Tôi ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Rất đồng tình với ý kiến về việc văn hóa cả nể, ép uống đã nêu trong bài viết. Việt Nam đang rất cần sự nghiêm khắc để người dân thay đổi ý thức giao thông".
Trong khi đó, Ngô Lộc cũng đồng tình: "Đúng và chính xác, cả xã hội cần ủng hộ, giống như đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chỉ có vậy thì mới cải thiện và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nhất là tạo văn hóa giao thông".
Từ thực tế mắt thấy tai nghe, bạn đọc Tài viết: "Hiệu quả của việc kiểm tra nồng độ cồn đã quá rõ qua 2 năm áp dụng. Đi lại ngày Tết ít thấy mặt đường bị vẽ do tai nạn, nhất là khi về quê. Do đó mình ủng hộ".
Theo bạn đọc này, thậm chí đã đến lúc "nghiên cứu tăng nặng hình phạt đối với phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến không đúng phần đường của mình nữa là tuyệt vời. Chỉ có vậy giao thông ở Việt Nam mới dần đi vào nề nếp".
"Tôi ủng hộ quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Nó đã giúp thay đổi thói quen uống rượu bia như nước của một bộ phận người dân và giảm đáng kể các trường hợp tai nạn do lái xe có cồn gây ra" - bạn đọc Vũ Nguyên viết.
Cũng theo bạn đọc Vũ Nguyên, với những trường hợp ngoại lệ như có cồn tự nhiên có chăng chỉ là số ít, có thể bổ sung những quy định riêng cho những trường hợp này, chứ không thể vịn vào số ít này để điều chỉnh nâng nồng độ cồn được phép khi lái xe.
Bổ sung ý này, bạn đọc Mo Mo viết: "Tôi không phản đối thổi nồng độ cồn, nhưng tôi cũng thấy băn khoăn cho người có nồng độ cồn rất thấp vẫn bị phạt".
Bạn đọc Mỹ Linh cũng nêu: "Tôi cho rằng cần áp dụng theo cách của nhiều nước đã thực hiện là cần có mức giới hạn nồng độ cồn và có thể tính đến đối tượng. Nếu áp dụng triệt để nồng độ cồn bằng 0 là rất vô lý vì thực tế thời gian qua rõ ràng cho thấy có nhiều bất cập. Ví dụ như uống 1 chai bia vẫn có thể hoàn toàn tỉnh táo, hay uống đến hôm sau vẫn bị phạt là hoàn toàn cứng nhắc".
Bạn đọc Hoài Thương thì nêu hai ý kiến: "Một là làm gì cũng phải có căn cứ khoa học. Liệu uống 1-2 chai bia hay với nồng độ cồn thấp thì có nguy hiểm không, bộ não có bị ảnh hưởng không, tinh thần ra sao? Không thể nói rằng cứ uống một ngụm bia là cấm vì nguy hiểm. Vậy phương Tây họ chấp nhận với nguy hiểm sao? Hai là lưu ý luật phải có tính lâu dài. Không thể nói rằng thực trạng Việt Nam hiện nay nên cấm tuyệt đối, về sau sẽ tính tiếp. Về sau là khi nào? Luật phải là nhất quán chứ không thể hôm nay vậy ngày mai khác được".
Vẫn trong ý kiến về cơ sở khoa học, bạn đọc tên Tuấn viết: "Tôi ủng hộ chuyện xử phạt các trường hợp đã uống rượu bia quá mức mà theo khoa học không thể tự chủ được hành vi lái xe. Tuy nhiên, việc gì cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học và dựa trên những bằng chứng đó để ban hành luật thì mới có tính thuyết phục cao và có sự đồng thuận của người dân. Nếu việc ban hành luật mang tính chất chủ quan, duy ý chí và áp đặt thì không đủ sức thuyết phục".
Người Việt hiếm có chuyện "uống chút xíu rồi nghỉ", nên cấm tuyệt đối là hợp lý!
Về ý này, bạn đọc tên Trương viết: "Cấm tuyệt đối là hợp lý vì thói quen ăn nhậu của người Việt Nam hiếm có việc uống chút xíu rồi nghỉ".
Đồng tình, bạn đọc Huy bổ sung: "Tôi cũng ủng hộ về việc cấm tuyệt đối rượu bia khi chạy xe. Nên bỏ cái 'văn hóa nhậu nhẹt' vô tội vạ này, rồi cả 'văn hóa' ép uống nữa".
Tuy nhiên, để kích cầu du lịch, bạn đọc đề nghị thêm: "Nhưng đề nghị không thổi vào buổi sáng vì dư âm nhậu tối hôm trước cũng rất ít ảnh hưởng hành vi lái xe mà vẫn kích cầu du lịch được, vì người ta vẫn vui chơi tối hôm trước mà không sợ hôm sau lái xe về".
Bên cạnh việc ủng hộ việc cấm bia rượu với tài xế, một số bạn đọc còn đề nghị nên xem lại có giải pháp lâu dài mới có thể giảm tải được tệ nạn nhậu nhẹt quá mức của người Việt.
Về ý này, bạn đọc Phan Son góp ý: "Tôi thấy nghịch lý ở đây! Nguyên nhân mức tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam cao ngất ngưởng là giá rượu bia ở nước ta quá rẻ so với các nước trong khu vực. Đơn cử một chai bia ở Singapore có giá cao gấp 10 lần giá một chai bia ở Việt Nam.
Như vậy, muốn hạn chế người sử dụng bia rượu phải đánh thuế thật cao ở bia rượu, nhằm đẩy giá bán lên cao thì mới có tác dụng giảm lượng bia rượu ở người Việt".
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Thachnq viết: "Ủng hộ Bộ Công an! Còn một vài vấn nạn gây nhức nhối xã hội là nạn ma túy, cướp giật và xả rác ra môi trường gây hủy hoại kênh rạch, ô nhiễm và mất mỹ quan! Mong Bộ Công an ra quân diệt sạch! Người dân chúng tôi sẵn sàng chung sức với công an với mọi hình thức"!
Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.