Theo đó, các sản phẩm hàng hóa chủ lực xuất khẩu như: Gạo 19,58 triệu USD, hải sản 30,69 triệu USD, giày da 39,03 triệu USD và hàng khác 61,74 triệu USD.
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa…
Do tháng 2/2024 rơi vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên hầu hết các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc giảm công suất sản xuất và hiện nay đã hoạt động ổn định trở lại sau kỳ nghỉ Tết.
Nhìn chung, 2 tháng đầu năm, hoạt động kinh tế ngoại thương của tỉnh khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, do doanh nghiệp có nhiều đơn hàng mới, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn để trao đổi, phân tích những nguyên nhân khó khăn về nguồn nguyên liệu, công nhân lao động, xúc tiến thương mại, tín dụng ngân hàng… và thống nhất biện pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Tỉnh Kiên Giang thông tin các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế và các điều kiện, thông tin hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024 đến các doanh nghiệp nhằm định hướng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, xung đột tại Biển Đỏ leo thang... sẽ ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập khẩu vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Năm 2024, với phương châm “Luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Kiên Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 920 triệu USD (phấn đấu đạt 1 tỷ USD), tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn; cụ thể hóa thực hiện đề án mạng phân phối nước ngoài, các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá…
Ngoài ra, Sở Công thương Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước… đến doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Khuyến cáo doanh nghiệp chủ động củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới tiềm năng, lấy khách hàng làm mục tiêu để phát triển thị phần bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cùng với các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sớm đầu tư nhà máy chế biến nông sản theo quy định, nhất là sản xuất chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu.
Phát triển, thành lập, mở rộng cơ cấu lại các hợp tác xã trong nông nghiệp như: Khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi… cung ứng nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến xuất khẩu. Tỉnh thành lập Hiệp hội doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu.
Đồng thời, tỉnh tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt 280.265 ha lúa Đông Xuân đã gieo trồng, phấn đấu năng suất thu hoạch bình quân 7,5 tấn/ha, sản lượng đạt tối thiểu 2,1 triệu tấn để năm 2024 đạt sản lượng thu hoạch 4,4 triệu tấn, với hơn 90% lúa chất lượng cao, phục vụ chế biến gạo xuất khẩu.
Mặt khác, tỉnh tổ chức sản xuất hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trên ngư trường và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 800.000 tấn, trong đó, khai thác 435.000 tấn và nuôi trồng 365.000 tấn (riêng sản lượng tôm nuôi 130.000 tấn) cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản.