Trở lại đoạn kè Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sau 8 tháng bị sạt lở (từ ngày 26-6-2023), phóng viên tá hỏa khi tình trạng sạt đã trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn trước nhiều.
Từ những vị trí ban đầu, đến nay có hơn 200m kè bị sạt lở kéo dài. Vào những giờ nước lên, các phần trụ kè gần như bị nước nhấn chìm. Còn khi nước rút, một số hàng rào lộ ra bị gãy gập khúc.
Điều đáng nói, việc sạt lở đã diễn ra thời gian dài nhưng chưa được khắc phục, mặc dù đây là tuyến kè quan trọng bảo vệ khu đông dân phía trong.
Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, trước đó UBND quận Bình Thạnh đã di dời khẩn cấp 13 hộ dân. Hiện nay lực lượng chức năng của quận luôn "trực chiến", không cho người dân vào các vị trí nguy hiểm, có thể sạt lở tiếp.
Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết vào tháng 8-2023, sở đã báo cáo UBND TP.HCM kết quả quan trắc, đánh giá nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở bờ kè Thanh Đa.
Sau đó, UBND TP.HCM có những chỉ đạo liên quan và chấp thuận chủ trương xây dựng kè Thanh Đa - đoạn 1.1 (khu vực bị sạt lở) với chiều dài 478m, phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10m tính từ đỉnh kè vào phía bờ thay thế công trình kè hiện tại.
Đến cuối năm 2023, UBND TP.HCM giao UBND quận Bình Thạnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bình Thạnh) làm chủ đầu tư.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang phối hợp UBND quận Bình Thạnh lựa chọn phương án làm công trình kiên cố và đồng bộ với các công trình kè trong khu vực (thuộc dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2, đoạn 3 và đoạn 4).
Một số hình ảnh kè Thanh Đa bị sạt lở:
Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã cập nhật vị trí nêu trên vào danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm ở TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo chuyên gia, dự án chống sạt lở Thanh Đa đã có mặt bằng sạch mấy năm mà nhà thầu không thi công là không thể chấp nhận được.