Theo các chủ vườn, do cây mai khá “khó tính”, hầu hết khách chơi không có kinh nghiệm chăm nên mai khó rộ hoa vào tết sau. Do vậy, với những cây mai có giá cao, khách thường gửi cho nhà vườn chăm sóc; một số ít người thuê thợ đến nhà chăm cây. Chi phí thuê người đến nhà chăm mai khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/lần; chi phí gửi mai cho nhà vườn chăm sóc trọn gói từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/năm tùy kích thước của cây.
Nhân viên một vườn mai ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức chăm sóc mai ngay sau tết - ẢNH: M.T. |
Anh Lộc - chủ vườn kiểng Lộc Phát, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - cho biết, năm nay, khách nhờ dưỡng mai nhiều hơn mọi năm. Vườn anh đang nhận chăm sóc khoảng 400 cây mai của khách và vẫn đang nhận thêm. Giá cao nhất mà vườn anh đang nhận chăm là 30 triệu đồng/cây/năm.
Nguồn thu từ dịch vụ dưỡng mai khá tốt nhưng một số nhà vườn không nhận khách đại trà. Anh Hà - chủ vườn mai Hà Ba Trận ở TP Thủ Đức - cho hay, gần chục năm nay, vườn anh chỉ nhận dưỡng mai cho một số ít khách quen, không nhận mai của khách mới. Lý do chính là nhà vườn không lường trước được thời tiết. Năm nào thời tiết thay đổi thất thường thì cây mai khó cho nhiều hoa và rộ đúng tết. Chỉ một số khách quen hiểu và thông cảm với chủ vườn về điều này.
Theo một số chủ vườn mai, mọi người đều có thể tự chăm sóc mai tại nhà để cây cho hoa đúng dịp tết năm sau. Cụ thể, sau khi chưng tết, chủ cây phải cắt hết hoa và nụ còn lại trên cành, cắt ngắn các cành dài rồi dùng keo chuyên dụng bôi lên vết cắt để cành không chết do mất nhựa. Việc cắt cành, cắt nụ kích thích cây trổ thêm cành, nhánh mới. Đối với các cây mai trồng trong đất thì chỉ cần bón phân, tưới nước. Đối với mai trồng trong chậu, cần đưa chậu ra nơi có nắng vừa phải. Với mai chậu mới mua, cần thay đất mới, chậu trồng lớn hơn để cây đủ dưỡng chất. Việc làm giá thể trồng quyết định nhiều đến sức khỏe của cây. Thông thường, chất trồng gồm khoảng 50% mùn dừa, 30% trấu sống, 20% trấu hun trộn đều. Đáy chậu phải được kê hở để thoát nước tốt.
Trước khi cắt cành, trồng lại, nên xịt rửa, chà hết rêu, nấm mốc trên cây. Khi cắt cành, nên cắt bỏ 1/3 số cành của cây và cắt ngắn các cành còn lại theo dáng sẵn của cây hoặc tốt nhất là theo hình cây thông. Sau khi trồng vào chậu, nên tưới đẫm nước, sau đó chỉ tưới khi thấy bề mặt giá thể đã khô (sau khoảng 3-4 ngày). Tuyệt đối không bón phân khi vừa thay đất bởi bộ rễ không thể hấp thu được phân, thậm chí phân có thể làm hỏng bộ rễ. Để mai ươm nụ nhiều và đẹp vào tết sau, từ tháng Tư đến tháng Sáu âm lịch, nên bón phân hữu cơ cho cây (phân bò hoai mục hoặc phân trùn quế); đến cuối tháng Chín âm lịch, nên bón phân vô cơ, có thể dùng phân kali trắng hoặc phân KNO3 chứa 13% kali và 46% K2O. Nên hòa phân với nước xịt vào gốc hoặc tưới, theo nguyên tắc “bón nhiều lần, mỗi lần một ít” thay vì bón nhiều phân trong ít lần.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.0062151a-tet-uas-iam-gnoud-ut-eht-oc-gnuc-ia/nv.moc.enilnounuhp.www