Dưới đây là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia mà Tuổi Trẻ đã ghi nhận.
- Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Tai nạn do rượu bia vẫn nghiêm trọng
Theo thông tin của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra từ năm 2022 thì rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia.
Khi đó, con số này có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Đến 2024, tình trạng dù đã được kiểm soát tốt hơn nhưng vẫn còn rất nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy chế tài xử phạt đã khá đầy đủ và nghiêm khắc, hoạt động truyền thông cũng rất sâu rộng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù, phạt hành chính ở mức cao và bị tước bằng lái xe.
Việc xử lý nghiêm vấn đề nồng độ cồn thời gian qua theo tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cùng với đó, có rất nhiều thông điệp được tuyên truyền như: "Đã uống rượu bia thì không lái xe", "Phía trước tay lái là tính mạng"...
Nhưng hiệu quả của việc thực hiện những thông điệp này đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Trước các cuộc vui, nhiều người vẫn uống rượu bia rồi lái xe mà không quan tâm gì đến các chế tài nghiêm khắc và các thông điệp tuyên truyền này.
Do vậy, một trong những giải pháp căn cơ là phải thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia, đặc biệt là uống rượu bia rồi thì không lái xe. Việc dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế không phải mới và đây là một trong các giải pháp như thế.
Đồng thời không nên quy định ngưỡng. Thực tế nếu quy định ngưỡng, chính người dân sẽ khó trong việc xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho phù hợp với ngưỡng đó, chưa kể việc xử lý của cơ quan chức năng cũng khó khăn.
Thêm vào đó, nếu quy định cấm tuyệt đối sẽ không uống, còn khi có ngưỡng rất dễ xảy ra trường hợp tài xế bị ép uống theo kiểu một chút lấy may đầu xuân hay "một chén không sao đâu", rồi một chén sẽ có chén thứ hai, thứ ba... Khi đó, sẽ khó dừng và chắc chắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau vô lăng.
Văn hóa không phải là "nhất thành, bất biến" mà luôn có sự thay đổi phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại. Văn hóa uống rượu bia cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, thay đổi văn hóa uống rượu bia có thể là một quá trình dài và phức tạp ở nước ta.
Điều đó đòi hỏi việc thực thi nghiêm và tăng cường các quy định luật pháp liên quan đến việc bán, quảng cáo, tiêu thụ, sử dụng rượu bia... Trong đó, cần bắt đầu bằng việc tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ rủi ro và hậu quả của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc này.
Đồng thời cần xây dựng môi trường sống lành mạnh, thúc đẩy lối sống không phụ thuộc vào việc tiêu thụ đồ uống có cồn... Khi kết hợp tổng thể các biện pháp có thể giúp thay đổi văn hóa uống rượu bia, nhất là đã uống rượu bia thì không lái xe, từ đó làm giảm thiểu những hậu quả tiêu cực, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn, văn minh.
- Đại biểu ĐẶNG BÍCH NGỌC (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình):
Giúp đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân
Thời gian qua, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Đồng thời làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định.
Việc này giúp làm gương cho nhân dân, tăng thu ngân sách từ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. Do đó, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế là phù hợp, giúp đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng cho người dân, xã hội.
- TS NGUYỄN HUY QUANG (nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):
Cấm là phải cấm tuyệt đối
Thực tế, khi triển khai xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia, các bộ ngành đã tham khảo nhiều nước và thấy có khoảng 20 nước quy định cấm hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, tức là nồng độ cồn bằng 0. Ở các nước phát triển quy định của họ có thể khác nhau nhưng họ rất ít sử dụng xe máy, còn ở Việt Nam số lượng dùng xe máy rất lớn, tỉ lệ tai nạn cao.
Trên thực tế, dù Việt Nam đã cấm lái xe khi đã uống rượu bia nhưng không ít người vẫn sử dụng và gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt hại cho cộng đồng, xã hội. Do đó, việc quy định nồng độ cồn với tài xế bằng 0 là hoàn toàn phù hợp, không nên bàn cãi nhiều. Việc quy định như vậy sẽ giúp điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội tốt hơn.
Cũng cần nói thêm, ở một số khu vực nông thôn và miền núi, người uống rượu bia rồi say ngất ngưởng, ép nhau từng chén rượu... vẫn diễn ra. Nếu quy định ngưỡng nồng độ cồn sẽ rất khó trong việc quản lý, chưa kể khi đó ngưỡng thế nào là một chén, hai chén.
Và khi có ngưỡng rồi thì người dân sẽ vẫn tiếp tục uống, như thế tình hình tai nạn có thể sẽ không giảm được. Vì vậy, đã xác định quy định cấm là phải cấm tuyệt đối, cấm tất mới đảm bảo nghiêm minh.
Nếu chúng ta không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu bia. Thực tế, thời gian qua, khi các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh vấn đề nồng độ cồn đã giúp tình hình trật tự, an toàn giao thông có những biến chuyển tích cực.
Quan trọng hơn cả trong vấn đề này, nếu ý thức của mỗi cá nhân tốt như đã uống rượu bia thì không lái xe mà chuyển sang đi xe công cộng hay chuyển người khác lái... cùng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định thì xã hội sẽ hạn chế được các vụ tai nạn giao thông, hạn chế số người chết, bị thương...
Mỹ xử người vi phạm nồng độ cồn: rất khắc nghiệt
"Bợm nhậu" vi phạm nồng độ cồn khi lái xe phải gắn một thiết bị khóa động cơ (IID) nhằm kiểm tra nồng độ cồn được gắn vào hệ thống khởi động của ô tô. Muốn lái xe, người đó phải thổi vào thiết bị này để kiểm tra nồng độ cồn, nếu vượt mức cho phép thì xe sẽ không thể khởi động nổ máy.
Để phòng việc tài xế nhờ người khác thổi hộ vào thiết bị, IID sẽ kiểm tra lại hơi thở người lái vào thời điểm ngẫu nhiên, thường là mỗi 20 - 40 phút. Nếu tài xế không tuân thủ, IID sẽ kích hoạt đèn, còi xe liên tục cho đến khi chiếc xe tắt máy.
Theo Hội nghị quốc gia của các cơ quan lập pháp bang ở Mỹ (NCSL), tính đến tháng 9-2021, toàn bộ các bang nước này đều đã đưa IID vào chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có đến 31 bang yêu cầu lắp IID lên xe của tất cả trường hợp vi phạm.
Hình phạt thường là lắp IID trên xe trong khoảng từ 6 - 12 tháng với người vi phạm lần đầu và lâu hơn với trường hợp tái phạm. Điển hình như ở bang Washington, người vi phạm nồng độ cồn từ lần thứ ba trở đi sẽ phải lắp IID trong ít nhất 10 năm.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chi trả toàn bộ chi phí lắp đặt, bảo dưỡng và thuê IID trong suốt quá trình thi hành hình phạt, vốn có thể lên đến hàng nghìn USD. Được biết, tại Mỹ nồng độ cồn tối thiểu để xử phạt là 0,08g/100ml máu.
Bộ Công an nêu rõ trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.