Tối 23-2, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, tại rạp Olympia với 1.700 khách mời và được truyền hình trực tiếp, ban tổ chức giải César đã dành thời gian chính thức cho nữ diễn viên, biên kịch - đạo diễn Judith Godrèche - người mới đưa đơn lên Tòa án Paris ngày 7-2, tố cáo đạo diễn Benoit Jacquot tội "cưỡng hiếp vị thành niên" lúc cô mười bốn tuổi; Jacques Doillon đã "xâm hại" cô trước mặt ê kíp hiện trường - lên sân khấu phát biểu.
Người phụ nữ xinh đẹp và duyên dáng sinh năm 1972 đã khiến khán phòng vỗ tay nhiệt liệt khi bước lên sân khấu, đứng dậy cổ vũ khi cô xúc động rời sân khấu.
Đài Canal+ phát hình trực tiếp đã bắt chộp nhiều cận cảnh nước mắt/ái ngại trong lúc Judith Godrèche phát biểu.
Trước đó, sau ngày Judith Godrèche đệ đơn lên tòa án chấn động giới média, các báo Le Monde, France Télévision, Radio France... đồng loạt nói đến sự "im lặng", trong đó tổng biên tập tạp chí Télérama tự phê đã "mù quáng tập thể".
Rúng động bởi nước Pháp vốn sùng bái phim tác giả và hai đạo diễn Benoit Jacquot, Jacques Doillon từng được truyền thông tung hô như "thánh" trong giới điện ảnh độc lập.
Bỏ học sớm sau khi bị cưỡng hiếp nhưng cô gái mê điện ảnh bị đắm chìm trong "ân sủng" năm xưa và người phụ nữ tỉnh thức năm mươi hai tuổi hôm nay đã làm xốn xang xã hội Pháp, bởi những ngôn từ sâu lắng không phải người học cao nào cũng có khả năng làm được.
Ngôn ngữ của nỗi đau ai cũng biết nhưng ai cũng làm ngơ. Hoặc công nhận trơ tráo như Benoit Jacquot công bố với truyền thông, rằng ông không thể làm nghệ thuật tận đẹp khi không yêu tận cùng diễn viên của mình, rằng đã nhận được "sự đồng ý" của cô gái... mười bốn tuổi!
Sau đây là đoạn cuối Thư gửi Tess (con gái 18 tuổi) của Judith Godrèche trên báo Le Monde 7-2-2024
(…) Mẹ hiểu rằng đã đến lúc phải kể câu chuyện của mẹ.
Cho các con, cho tất cả những đứa trẻ gái, trai vẫn sống trong im lặng áp đặt. Trong nỗi sợ hãi.
Đã đến lúc.
Các con phải biết.
Có khi mấy con sẽ phải che mắt lại.
Mẹ hy vọng mấy con sẽ tha thứ mẹ.
Mẹ biết rằng đã muộn, nhưng
Mẹ mới hiểu được một điều.
Cái gọi là sự đồng ý, mẹ chưa bao giờ nói lên.
Không có.
Chưa hề.
Vì vậy, đã đến lúc.
Nỗi tuyệt vọng về sự yếu đuối trong quá khứ của mẹ, nỗi tuyệt vọng về tuổi thơ bị đánh cắp của mẹ, đã tìm ra tiếng nói.
Đó là câu chuyện của cô bé mười bốn tuổi ở Paris vào những năm 1990…
Judith
Và trích đoạn Diễn từ lễ hội César 23-2-2024 (theo báo 20 Minutes, 23-2-2024)
… Tôi nghĩ đến thuật ngữ dùng ở hiện trường: Im lặng! Máy chạy! Ba mươi năm nay, im lặng là chiếc máy vận hành tôi.
(…) Các bộ phim nhìn/xem chúng ta cũng như chúng ta nhìn/xem chúng.
(…) Vậy thì tại sao người ta chấp nhận thứ nghệ thuật mà chúng ta vô cùng yêu thích, gắn bó này được dùng làm bình phong cho việc buôn bán bất chính những cô gái trẻ?
(…) Chúng ta đang ở buổi bình minh của ngày mới. Chúng ta có thể quyết định cho những kẻ bị tố cáo cưỡng dâm không được tiếp tục làm mưa làm gió trong điện ảnh.
(…) Các bạn đừng nghĩ rằng tôi đang nói về quá khứ của tôi. Đó cũng là nói về tương lai của tất cả những ai chưa đủ sức trở nên nhân chứng của chính mình.
Thế giới đang nhìn chúng ta. Chúng ta đi cùng với các bộ phim của mình. Chúng ta may mắn được sống ở một đất nước dường như có tự do. Cho nên, cùng với sức mạnh đạo lý chúng ta sáng tạo, hãy can đảm nói to lên những điều mà chúng ta từng biết âm thầm.
Không chỉ ở nước Pháp, câu chuyện của Judith Godrèche đang làm lung lay giá trị lung linh của điện ảnh toàn cầu - nơi không hề xa lạ những câu chuyện như thế, nơi phong trào Me Too đang lan tỏa.
César là tổ chức nghề nghiệp độc lập (không nhận trợ cấp nhà nước) của điện ảnh Pháp, tập hợp 21 ngành nghề khác nhau.
Năm 2024, hơn 4.300 hội viên đã tham gia bầu bán.
Theo nội quy mới được sửa đổi, từ nay tổ chức César không mời dự lễ hội, lên phát biểu, không làm lễ trao giải trên sân khấu với những ai bị tố cáo và điều tra vì hành vi bạo lực.
American Symphony là một phim âm nhạc hiếm hoi mà cái ta thấy không phải quyền lực mà là sự bất lực của âm nhạc, nhưng đổi lại là một cái nhìn đầy cảm động về tình yêu.