Dù mới bước sang học kỳ 2 của lớp 10, Đặng Gia Hân, học sinh Trường THPT Tiểu La (Quảng Nam), đã sớm tìm hiểu các phương thức xét tuyển đại học, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Xuất phát sớm
Nhận thấy khối lượng kiến thức của kỳ thi trải rất rộng nhiều môn và khối lớp, Gia Hân xác định không thể ôn tập trong thời gian gấp rút. Gia Hân cũng khá lo lắng nội dung thi sẽ có nhiều thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên muốn chuẩn bị bài vở càng sớm càng tốt. Bạn nhận thấy khó nhất là các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Tương tự, bạn Phạm Hồng Thái, học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (Tây Ninh), sớm lên kế hoạch ôn tập dài hơi. Nhận thấy trong bài thi đánh giá năng lực thì hơn 60% là kiến thức trong sách giáo khoa và khoảng 40% về khả năng tư duy nên mình "nhai đi nhại lại" các kiến thức cơ bản và tăng cường ôn tập hai chủ điểm lớn trong bài thi là toán và tiếng Việt.
Mỗi tuần, Hồng Thái thường lên mạng mò mẫm giải đề các câu thuộc những kiến thức đã học. Những câu khó, Hồng Thái thường mang lên lớp nhờ thầy cô giáo tham khảo ý kiến. Hồng Thái đang theo học lớp khoa học xã hội và khá dè dặt các môn khoa học tự nhiên.
Còn Yến Vi và Việt Hương, học sinh lớp 10 Trường THPT Pleiku (Gia Lai), cũng đã bắt đầu ôn tập trước những phần kiến thức vừa sức trong đề thi đánh giá năng lực vào những ngày trong tuần. Phương châm là chỉ ôn thêm vào những ngày rảnh rỗi và nắm thật chắc chắn kiến thức phần lớp 10, luyện thêm phần tiếng Việt, toán logic và ngoại ngữ. Riêng Việt Hương có tham khảo thêm các khóa ôn luyện nhưng còn chưa đăng ký vì nghe đâu nhiều khóa thu học phí cao nhưng kiến thức thu về thì ít.
Trường phụ thí sinh
Thầy Nguyễn Phúc Viễn, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết những năm gần đây, nhà trường rất quan tâm đến những thí sinh dự thi đánh giá năng lực. Từ lớp 10, nhà trường có tổ chức tuyên truyền cho các em về kỳ thi này và khuyến khích các em có thể thử sức tham gia vì sẽ tạo thêm cơ hội vào đại học.
Thầy Viễn cho rằng các em từ lớp 10 cũng cần có sự chuẩn bị sớm cho các kỹ năng thuộc về năng lực, không phải đợi đến lớp 12 hay đến gần thi mới "nâng cao năng lực" là không thể.
Bên cạnh đó, thầy Viễn chia sẻ nhà trường không tổ chức ôn thi nhưng các thầy cô giáo thường có những buổi hướng dẫn cho học sinh để các em biết cách tự học để nâng cao năng lực.
Chẳng hạn, các em chưa biết cách tự học để rèn kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng phân tích, thì thầy cô giáo các môn sẽ hướng dẫn các em có thể có được những kỹ năng này. Riêng đến khoảng thời gian gần thi đánh giá năng lực, các thầy cô giáo sẽ dành một tỉ lệ thời gian thích hợp trong các tiết dạy để hỗ trợ thêm các bạn sẽ thi đánh giá năng lực ở những điểm kiến thức mà các em còn nhiều thắc mắc.
Thầy Bùi Văn Phi, hiệu trưởng Trường THPT Cái Bè (Tiền Giang), cho biết phần lớn học sinh tại trường ngay từ lớp 10 là đã xác định những kỳ thi riêng mình sẽ tham gia ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chậm nhất là cuối lớp 11, các bạn sẽ chốt lại quyết định tham gia các kỳ thi này để lên kế hoạch ôn tập.
Về phần các thầy cô giáo, cũng từ lớp 10, trong các buổi phụ đạo các thầy cô giáo sẽ lồng ghép những câu hỏi có trong đề thi đánh giá năng lực để học sinh có thể thảo luận và tìm hiểu thêm.
Không phải ai cũng thi đánh giá năng lực
Thầy Đỗ Đình Đoàn, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho rằng bên cạnh việc "chốt" các kỳ thi sẽ tham gia từ sớm, các bạn cũng cần lên thêm chiến lược các phương thức xét tuyển.
Thầy ví dụ thông thường với những bạn có học lực dưới mức khá thường sẽ chuộng xét học bạ và dồn sức thi tốt nghiệp THPT thay vì phải chia thời gian ôn thêm kỳ thi đánh giá năng lực. Theo thầy Đoàn, việc đối chiếu số lượng các kỳ thi với mục đích, định hướng và năng lực của mình sẽ giúp các thí sinh tối ưu hóa thời gian học tập và phát huy được lợi thế của mình.
Không nên chăm chăm giải đề thi
TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng muốn thi đánh giá năng lực đạt kết quả tốt, thí sinh chỉ cần học tốt những gì được dạy trong trường. Mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực cũng là để giúp thí sinh học tốt, không phải để luyện thi, luyện đề.
Ông nhấn mạnh để học tốt, chính các giáo viên phổ thông là đã hỗ trợ được các thí sinh, không cần tìm các lớp ôn tập ở đâu xa xôi.
TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng khi có thời gian dài từ lớp 10, học sinh có thể tận dụng để nâng cao một số kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng, như kỹ năng đọc, kỹ năng phân tích văn bản, kỹ năng suy luận, tư duy logic. Các kỹ năng này nên được nâng cao ngay chính từ những bài học trong lớp.
"Không nên chăm chăm giải đề thi, mà nên tìm tòi sâu trong từng bài học để hiểu bản chất vấn đề, từ đó nâng cao năng lực của bản thân", ông Chính tư vấn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, toàn bộ học sinh lớp 3, 7, 9, 11 ở TP.HCM sẽ làm khảo sát năng lực trực tuyến, bắt đầu từ 14-3.