Theo Hãng tin Reuters, thẩm phán James Wesley Hendrix ở Lubbock, bang Texas, đưa ra kết luận trên sau khi ông chấp thuận yêu cầu xem xét của giám đốc Sở Tư pháp Texas Ken Paxton thuộc Đảng Cộng hòa.
Trong phán quyết của mình, thẩm phán Hendrix chỉ ra đạo luật chi tiêu ngân sách vi hiến ở chỗ nó được thông qua theo quy tắc thời đại dịch, cho phép các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ bỏ phiếu theo hình thức ủy quyền thay vì trực tiếp.
Tuy nhiên, ông Hendrix nói phạm vi phán quyết của ông chỉ "hạn chế" và không chặn tất cả luật chi tiêu. Texas chỉ tìm cách chặn việc thực thi hai điều khoản trong đó tại tiểu bang này.
Cụ thể, điều khoản thẩm phán Hendrix quyết định chặn là việc thực thi Luật Công bằng cho người lao động mang thai đối với tiểu bang với tư cách là người sử dụng lao động.
Luật này yêu cầu người sử dụng lao động phải cung cấp cho người lao động mang thai chỗ ở hợp lý.
Trong đơn kiện được đệ trình vào năm ngoái, ông Paxton lập luận rằng gói chi tiêu được ban hành vào tháng 12-2022 đã được thông qua một cách vi hiến khi hơn một nửa Hạ viện Mỹ, khi đó do Đảng Dân chủ lãnh đạo, không có mặt trực tiếp và bỏ phiếu theo ủy quyền.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi đã triển khai quy tắc bỏ phiếu ủy nhiệm vào tháng 5-2020 sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đảng Cộng hòa đã bỏ hình thức bỏ phiếu này khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2022.
Trong phán quyết dài 120 trang, ông Hendrix cũng nói trong hơn hai thế kỷ trước khi áp dụng quy tắc bỏ phiếu ủy nhiệm "mới lạ", Quốc hội hiểu rằng hiến pháp yêu cầu đa số thành viên Hạ viện hoặc Thượng viện phải có mặt trực tiếp để thông qua một dự luật nào đó.
Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ đạo luật chi tiêu thay mặt cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden, chưa lập tức đưa ra bình luận.
Ông Matthew Miller, một luật sư của Tổ chức Chính sách công Texas, cho biết phán quyết đã kết luận một cách "chính xác" rằng cần phải có đủ số đại biểu cần thiết.
Ngoài ra, ông Hendrix cũng kết luận tiểu bang thiếu tư cách để thách thức một điều khoản phân bổ 20 triệu USD trong đạo luật chi tiêu. Số tiền này nhằm tài trợ chương trình thí điểm, cung cấp một số dịch vụ trong thủ tục trục xuất người nhập cư cho những người không phải là công dân Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tự tin rằng nước này có thể cung cấp toàn bộ chuỗi cung ứng silicon để sản xuất chip xử lý tiên tiến.