Công trình cao tốc gần mỏ cát… thiếu cát
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, qua 4 tỉnh thành An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Nhu cầu cát đắp toàn dự án khoảng hơn 31 triệu m3, mục tiêu hoàn thành vào năm 2027. Nhưng sau gần 9 tháng xây dựng, dự án đang chậm tiến độ do thiếu cát.
Dự án thành phần 1 tại An Giang dài 57,2km, với 4 gói thầu xây lắp 42, 43, 44 và 45. Theo chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp An Giang, tổng nhu cầu cát san lấp là 1,7 triệu m3, nhưng đến nay chỉ mới có hơn 150.000m3 cát về công trình.
Trung tá Lê Xuân Đại - giám đốc ban điều hành Công ty Trường Sơn 11 (Tổng công ty Trường Sơn) - cho biết gói thầu 42 dài gần 17km, thời gian thi công là 42 tháng.
Đến thời điểm này, đơn vị đã thi công khoảng 8,2% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ khoảng 8,32%.
"Nhà thầu còn khoảng 34 tháng để hoàn thành đúng tiến độ. Mỗi ngày, công trình chỉ nhận được 500m3 cát. Công việc chủ yếu của anh em vẫn là xây dựng cầu, đường công vụ. Thiếu hụt nguồn cát đang gây nhiều khó khăn", ông Đại cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nam - giám đốc điều hành gói thầu 44 (Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy), nhà thầu thi công 12,5km cao tốc, trong đó có 9 cầu, 3 cống hộp. Do không có cát san lấp, hơn 200 công nhân, kỹ sư đang tập trung thi công cầu. Đến nay đã làm xong 1 cầu đầu tiên, đang làm tiếp cầu thứ 2.
"Không có xe cát nào để san lấp"
Dự án thành phần 2 qua Cần Thơ dài hơn 37km, hiện An Giang đã cam kết cấp khoảng 2,3 triệu m3, đang còn làm thủ tục. Dự án thành phần 2 còn thiếu hơn 4 triệu m3 cát chưa tìm được nguồn cung. Do đó, nhiều đoạn phải dừng thi công để chờ cát.
Theo ông Đặng Hoàng Vĩnh - giám đốc quản lý dự án (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ), đơn vị đã liên hệ Vĩnh Long, Tiền Giang tìm hỗ trợ thêm nguồn cát. Nhưng đến nay chưa có kết quả.
"Mặt bằng sạch đã đạt 99%, nhưng từ khi khởi công đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy một xe cát nào vào công trình. Nhà thầu chỉ làm cầu, dọn dẹp mặt bằng, cào bóc đất hữu cơ…", ông Vĩnh cho hay.
Tại thành phần 4 tỉnh Sóc Trăng, ông Thạch Minh Hoài - giám đốc Ban quản lý dự án 2 - cho biết tỉnh đã giải phóng mặt bằng đạt 100%. Các nhà thầu đã lập thiết kế bản vẽ, vét hữu cơ, đào nền đường công vụ và thi công một số cầu. Do khó khăn nguồn cát, đến nay khối lượng công việc tại các gói thầu chưa đạt nhiều.
"Tỉnh đã giao các nhà thầu khảo sát, thăm dò, lập thủ tục khai thác cát. Các nhà thầu đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng việc khai thác mỏ phải trải qua nhiều thủ tục. Khả năng phải đến 30-4 mới hoàn thành", ông cho hay.
Dự án qua Sóc Trăng có nền đất yếu, phải sử dụng khối lượng lớn vật liệu cát để đắp nền. Nhưng Sóc Trăng không có mỏ đá, đất sét đắp lề nên phải sử dụng các vật liệu ngoài tỉnh, ảnh hưởng tiến độ, chi phí xây dựng.
"Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục hỗ trợ địa phương về chuyên môn, phối hợp quản lý chất lượng, tiến độ dự án. Bộ cũng cần sớm báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển, để làm cơ sở cấp phép khai thác", ông Hoài kiến nghị.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã triển khai thi công 14/14 gói thầu. Các đơn vị đang tập trung đào bóc hữu cơ và nền đường công vụ. Thi công một số hạng mục cọc bê tông cốt thép, kết cấu phần dưới một số cầu, vét hữu cơ, đắp nền, xử lý đất yếu đối với hạng mục đường.
Dự án còn thiếu khoảng 8,2 triệu m³ cát. Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương khẩn trương có giải pháp bảo đảm nguồn cung đủ khối lượng vật liệu thi công tuyến cao tốc. Trước mắt, các nhà thầu cần chủ động tìm kiếm nguồn cát thương mại để đảm bảo tiến độ.
HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa thống nhất quản lý, sử dụng 7 mỏ cát để cung cấp cho dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) với diện tích 585ha, trữ lượng gần 17 triệu m³.