Bữa cơm chiều tối đó là một kỷ niệm “nóng” không có mùi thuốc súng rất đặc biệt, sau 55 ngày đêm toàn ăn đồ hộp, cơm vắt nguội lạnh, cả đơn vị có được một bữa cơm nóng vừa chín tới, ăn cùng món rau xanh hái ngay trong dinh Độc Lập và thịt gà của người dân Sài Gòn ủy lạo Giải phóng.
Nhưng rồi, rất nhanh, cảm xúc vỡ òa niềm vui của chiến thắng chỉ còn âm ỉ trong Bình. Điều Bình đang mong mà cũng là mục đích khi quyết tâm xin ra chiến trường trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, để khi tới được Sài Gòn, sẽ được phép đến nơi cha mình đã chiến đấu và hy sinh. Bình đã kịp dò hỏi tin tức và biết được nơi đó ở ven đô, thuộc vùng 18 thôn vườn trầu,...
Cũng không rõ từ kênh liên lạc nào, mà hai hôm sau, khi còn đang vơ vẩn đi lang thang trong khu Dinh ngắm nghía nơi từng là “bất khả xâm phạm” của chính quyền Sài Gòn, tò mò nhìn mấy cái lô cốt còn y nguyên, hình dung ra trận đánh ở Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân của biệt động thành…, Bình được lệnh lên gặp chỉ huy Sư đoàn bộ, và ở đó anh được giới thiệu với một vị chỉ huy Quân khu, ông nói là đồng đội của cha ngày trước, và xin phép đơn vị cho Bình đi thắp nhang mộ của cha.
Không chỉ có vị chỉ huy Quân khu mà sau đó có tới mấy cô chú khác, qua giới thiệu, toàn là đồng đội của cha, giờ cùng nhau tới, gặp Bình, người nào cũng nắn tay sờ vai, rồi trầm trồ: “Trời! Giống ảnh hết sức”, “Như khuôn vậy”, “Thiệt, phước cho ảnh, có thằng con ngon quá trời”, “Ảnh mà còn sống chắc cưng hết biết”… Có vài câu lấp lửng khó hiểu: “Ờ, mà hổng biết anh em nó có nhận nhau không hà”, “Ruột thịt máu mủ sao hổng nhận”, “Nhưng má nó ngoài ngoải rồi sao”… Trong lúc chộn rộn, Bình không để ý đến những câu nói có phần theo anh nghĩ lúc đó là “lạc đề”, nhưng rồi sau này mới hiểu… Và đó là câu chuyện dài…
*
Bình được đồng đội của cha đưa về đất 18 thôn vườn trầu Hóc Môn, đến ngôi mộ của cha đang được gia đình một bà má có con gái là biệt động thành cũng đã hy sinh, kín đáo chôn cất và chăm sóc nhang khói… Cho dù chiến tranh ác liệt, nhưng sức sống tiềm tàng trong từng mạch đất ở vùng này vẫn trỗi dậy, những vườn cau vươn cao vẫn tỏa hương hoa thơm dịu dàng, những dây trầu rậm rịt vẫn xanh mướt phủ khắp thôn.
Dù chỉ mới vài ngày hòa bình, mà gần như không khí đã bay hết mùi súng đạn, khung cảnh thanh bình như không hề có chiến tranh đã từng đi qua vùng này. Tới ngày áp chót giải phóng Sài Gòn, vẫn còn giao tranh ác liệt giữa các đơn vị tử thủ của quân đội Sài Gòn với quân Giải phóng. Bình mê mải hít hương hoa cau thơm mát, hương lá trầu thơm ngọt, những mùi hương chỉ có trong bao giấc mơ quê nhà kể từ khi vào chiến trường ngót 5 năm nay.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú |
Ngôi nhà của bà má Hóc Môn, y như các ngôi nhà khác của thôn, sân trước là mấy hàng cau, quày trái ken dày khin khít ôm kín cả khúc thân, phía sau vườn nhà là những nọc trầu tạo thành giàn quấn quýt xanh mơn mởn, nhà lợp lá, nền đất nện bóng lưỡng, từ ngoài nắng bước vô mát rượi.
Ngay khi mới bước vào nhà, Bình chưa kịp chào, bà má Hóc Môn nhìn thấy đã vội nắm tay mừng mừng tủi tủi:
- Mèn ơi, sao mà giống hệt. Hổng có lọt khuôn đâu hết. Y thằng cha nó. Út đâu con, ra chào các cậu các dì, chào anh Hai nè. Anh Hai Giải phóng về nè con… Mấy bay ngồi tạm bộ ván đây, bàn ghế má cho bên quân quản mượn rồi… Út đâu con... Mà con tên gì… Tên Bình - Ờ Hòa Bình, cha bây đặt tên đẹp quá…
Một đứa bé gái tóc cột nhỏng đuôi gà, mặc bộ bà ba bông dâu tím nhạt, từ trong phòng ngách bước ra, khoanh tay chào:
- Dạ thưa, con chào các cậu các dì, Út chào anh Hai Giải phóng…
Rồi như thân thuộc lắm, con bé chẳng e dè gì, ào tới Bình, nắm tay, ngó trân trân gương mặt, còn đưa tay lên sờ nhẹ má, miệng lắp bắp:
- Anh Hai Giải phóng, ngoại, anh Hai con nè ngoại, phải hông? Anh Hai con đẹp quá hà…
Chưa hết lúng túng với màn chào hỏi ban đầu, Bình thêm hoang mang hơn khi đứa bé gái lại quấn quýt lấy anh như ruột thịt tự thời nào. Và cho dù chỉ mới nhìn nó, giống như một luồng điện cao tần xẹt qua lưng Bình, bé gái giống hệt bức hình hồi nhỏ của anh năm lên 5 tuổi, mẹ thích để tóc như con gái, nên càng giống tợn. Không có lẽ…
Mà bà má Hóc Môn vừa nói gì “chào anh Hai Giải phóng”? Cha đã từng chiến đấu ở đây? Có lẽ nào cô bé gái này là em của Bình? Là cha mình với cô con gái bà má Hóc Môn? Sao cha có thể làm vậy với mẹ, với Bình và với cả những người trong gia đình này… Nói nghe dài, nhưng chỉ trong vòng vài chớp mắt, bao nhiêu câu hỏi loạn xạ đầy ắp cùng những tâm trạng rối nùi trong anh.
Có lẽ nhìn biểu cảm trên gương mặt anh có gì đó quá bối rối, lúc đỏ, lúc nhợt nhạt như trúng gió, cảm thông với những bất ngờ đang ập đến mà chưa có lời nào rõ ràng, chú cán bộ quân khu đến bên vỗ vai Bình:
- Rồi thong thả con sẽ hay chuyện. Chú đã xin phép đơn vị cho con 3 ngày ở lại đây chăm sóc mộ phần cha con. Chú cũng đã nói rõ chuyện về con, về cha con cho chỉ huy bên đó, nên yên tâm… Con cũng trải qua bao nhiều trận mạc, sống chết chắc cũng từng đối diện gang tấc… Chiến tranh mà, có thể mất không bao giờ còn có lại, nhưng mà cũng có thể được như Trời ban tặng… Có gì cũng nên rộng lòng nha con.
Bà má Hóc Môn hình như nhận ra những cảm xúc đang quấn níu khúc mắc hiện rõ trên nét mặt Bình, nhưng cũng hiểu không thể năm ba câu nói cho rõ ngọn nguồn. Bà bèn lảng sang chuyện hối cô bé con phụ giúp sắp bàn dọn mâm thắp nhang vừa là mừng chiến thắng, vừa là để anh em đồng đội cõi âm cõi dương gặp nhau, và quan trọng nhất là cho Bình được thắp nhang mộ cha mình, lần đầu tiên kể từ khi hay tin cha hy sinh.
Mộ cha và con gái của bà má Hóc Môn nằm song song dưới một giàn trầu xanh mướt rợp bóng mát, phía trên có vài vạt hoa mười giờ đang nở đỏ tím vàng rực rỡ. Nếu không có mấy chân nhang cắm trên mặt đất thì Bình không thể nghĩ ở đó có 2 ngôi mộ… Bà má nói, để sau này sẽ đắp cao hơn, rồi xây mộ cho đàng hoàng, giải phóng rồi, hổng sợ nữa, vì trước giờ giữ bí mật, phải khỏa đất cho bằng…
Bình cầm nắm nhang, ngồi thụp xuống, có lẽ dồn nén bao năm nay nỗi nhớ người cha, hay quá nhiều cảm xúc bị dồn nén, anh bật khóc…
Còn nhớ, chiều đó mẹ đạp xe từ Hà Nội về nơi Bình đang sơ tán theo trường, khi đó Bình đang học lớp 10, vừa thi học kỳ 2 xong, đang đợi kết quả và làm hồ sơ chuẩn bị thi đại học. Mắt mẹ đỏ hoe, mặt thì trắng bệch thất thần, vừa thấy Bình, mẹ như không còn sức, gần như lả người… Mẹ mang giấy báo tử cha cho Bình biết, cha đã hy sinh cách đó gần 3 năm, Tết Mậu Thân 1968…
Sau đó, Bình quyết định không thi vào đại học, và làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, cho dù được ưu tiên ở tuyến sau, nhưng Bình quyết tâm xin cấp trên cho ra chiến trường trực tiếp chiến đấu.
*
- Con bé tên Diệu, khi nó chưa tượng hình ba con đã nói đặt tên vậy vì đó là điều kỳ diệu trong chiến tranh, là kỷ niệm Hà Nội có phố Hoàng Diệu, nơi ngôi nhà ở đó còn có một đứa con trai tên Bình… Đúng! Nó là con của ba con với con gái của ngoại. Chúng nó gặp nhau, khi ba con trong đơn vị đặc công chủ lực miền về đây điều nghiên trinh sát chuẩn bị cho đánh Mậu Thân. Ngoại đào cái hầm bí mật ngoài vườn trầu cau, chính là mộ ba con và con gái ngoại bây giờ đó.
Trong một lần tụi lính Sài Gòn đi càn và đóng lại thôn, chắc nghe động tĩnh gì đó, hay thằng chiêu hồi nào chỉ điểm, chúng xăm xoi kỹ từng nhà… Lần đó ba con nằm hầm cùng con gái má suốt mấy ngày trời…, rồi một cơn sốt rét ập tới ba con, con gái ngoại chỉ biết ôm để truyền hơi ấm…, thì bây tính, chuyện gì đến sẽ đến, con người có tình cảm mà, chiến tranh, lúc đó ai tiếc gì…
Rồi ba con đánh cửa mở cho giải phóng vào thành phố, và hy sinh. Lúc đó con gái ngoại đang làm giao liên cho cánh quân khác đánh sâu vào nội đô… Hay tin, nó tìm cách đưa ba con về nhà ngoại, ngoại bí mật lo chôn cất nhang khói cho ấm áp, nó thương ba con thiệt tình, nó cũng như chết rồi.
Vì thương con Diệu còn trong bụng, chớ không lúc đó nó cũng ra trận…, rồi khi sinh con Diệu, nói gì cũng không nghe, nó quyết xin vào tổ chiến đấu, giao con cho ngoại… Khi nó hy sinh, con Diệu còn chưa thôi nôi. Ngoại muốn đứt ruột, rồi lo cho hai đứa nó nằm bên nhau…
Con à, hòa bình rồi, yên yên, ngoại sẽ đưa con bé Diệu ra Hà Nội gặp má con, và gặp bên nội con… Ngoại sẽ thay mặt con gái má tạ lỗi với má con…
*
Khu 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn cho dù quân Sài Gòn và quân Mỹ lập rất nhiều đồn bốt quân sự với những đơn vị thiện chiến và vũ khí tinh nhuệ trấn giữ, không những thế, còn luôn tổ chức các cuộc ruồng bố tìm diệt phát hiện các cơ sở cách mạng hay người của quân Giải phóng.
Điểm mạnh của đối phương cũng là điểm yếu của chúng, bởi quá tự tin sức mạnh và mất cảnh giác, nên nơi này lại trở thành một căn cứ mật của quân Giải phóng ở ven đô, điểm giao liên liên lạc và đưa cán bộ cách mạng ra vào thành phố Sài Gòn.
Cuối năm 1967, 18 thôn vườn trầu trở thành căn cứ tiền phương của một số đơn vị. Và đây cũng là điểm mà trinh sát đặc công của chủ lực Miền đặt căn cứ, nhằm vào nội đô trinh sát các cơ quan trọng yếu của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đặc biệt chuẩn bị cho chiến dịch “Tết Mậu Thân 1968”.
Hòa cùng một đơn vị đặc công được phân công về 18 thôn vườn trầu, “nằm ấp” bí mật, để tiến hành trinh sát một số mục tiêu, nhằm tiếp ứng và phối hợp cùng các đơn vị bạn khi đánh vào trung tâm nội đô Sài Gòn. Và cơ sở đã đưa Hòa về nhà một bà má có cô con gái đang làm giao liên cho các đơn vị biệt động thành.
Nhà má có một căn hầm bí mật ở ngoài vườn trầu, và nếu có động thì có thể thoát ra ngoài an toàn qua mấy ngả trong thôn. Công việc gần như khá suôn sẻ, cứ đêm đêm Hòa và một số đồng đội lên khỏi hầm, và được các giao liên biệt động đưa vào nội đô.
Còn nhớ, lúc ra khỏi thôn, gần vào tới nội đô, mọi người ghé vào một căn nhà cơ sở, là một tiệm café khá đông khách, thay bộ đồ vía như dân chơi Sài Gòn theo model Hippie đang thịnh hành trong giới trẻ lúc này, rồi nhảy lên chiếc Honda 67, đằng sau có một “em” xinh đẹp ôm eo - nhưng thật ra là một giao liên biệt động.
Và cô gái trên xe Hòa chính là cô con gái bà má 18 thôn vườn trầu. Xe lượn quanh các con phố Sài Gòn, có lúc đi từ từ chầm chậm như bao đôi tình nhân đang lướt phố, đôi lúc hứng chí cũng bốc đầu rú ga nẹt pô, nhưng thật ra là mỗi lần đi như thế là nắm được một số quy luật giờ giấc đổi gác, các chốt chặn, hay bố phòng những mục tiêu mà đơn vị sẽ phối thuộc trong chiến dịch.
Đi tới hơn nửa đêm, thì mọi người về lại, và rút xuống hầm bí mật, liên tục như thế suốt 1 tuần liền thì việc trinh sát gần như hoàn thành, có thể vạch ra phương án và chiến thuật đánh mở cửa của đơn vị đặc công kết hợp biệt động thành, và sau thì phối thuộc các đơn vị chủ lực bạn tiến hành đánh tiêu diệt mục tiêu, chiếm cứ mục tiêu…
Ngày chuẩn bị trở lại cứ thì đúng lúc quân Sài Gòn mở cuộc bố ráp, thế là tất cả đành “án binh” nằm trong hầm bí mật, không được lên kể cả ban đêm. Không biết là tình cờ hay bị chỉ điểm, nhà bà má bị một tiểu đội quân Sài Gòn trú đóng, chúng không tìm xét xăm hầm hay đào xới gì, mà chiếm ngay căn nhà, nhưng như thế cũng quá ngặt, khó có cái gì mà qua mắt chúng.
Không chỉ mình Hòa, mà cô con gái bà má cũng bị kẹt lại, nên cũng phải chui hầm bí mật cùng anh. Những tưởng chúng chỉ ở 2-3 ngày thì rút, ai dè, có lẽ muốn thi gan cùng Việt Cộng, chúng cứ ở lì, nhưng thật ra là quây kín thôn, mà theo chúng “con ruồi cũng không lọt”…
- Anh có sợ không? Nếu chúng xăm được hầm thì tính sao?
- Thì tính sao, đội nắp lên tử chiến. Anh và em đều có súng, lưu đạn… Mà không được, anh đội nắp lên, chắc bọn chúng nghĩ chỉ có mình anh, em cứ trong hầm, anh sẽ dụ chúng ra xa một chút rồi em nhảy lên trốn sang vườn nhà bên…
- Không được. Em đã được trên giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho anh. Để em lên… Anh ráng thoát. Anh còn tài liệu về cứ chuẩn bị chiến dịch…
- Mà sao chúng làm gì không thấy ồn ào heng. Hay chúng rút rồi.
- Chưa đâu anh. Em thấy má ra tín hiệu bọn chúng đang trong nhà mình. Góc hầm má có sắp sẵn cơm khô nước uống đủ cho 5 ngày - 1 tuần...
- Sao em nghe được má...
- Nghe được chứ. Đã giao ước rồi, má ra cái lu múc nước sẽ làm bộ khua gõ trên thành lu vài cái, nghĩa là chưa có yên…
Căn hầm bí mật dài 2 thước, bề ngang chừng thước rưỡi, sâu cũng chừng hơn thước càng cảm giác chật chội hơn, khi không thể đứng mà chỉ có thể ngồi hay nằm, lại càng bất tiện khi hai người trong hầm là một trai một gái… Nhưng có lẽ với Hòa và cô con gái của bà má Hóc Môn thì điều đó không đáng bận tâm. Có những khoảnh khắc, hình như không phải cái chết đang chực chờ ngay trên đầu họ, mà họ đang được sống những giây phút đẹp nhất trong cuộc chiến.
*
Qua 2 ngày tưởng rằng mọi chuyện sẽ êm, ai dè đám lính vẫn ở nguyên trên nhà, còn trong căn hầm thì cô gái đang hết sức lúng túng vì Hòa lên cơn sốt rét bất chợt. Cơn sốt tự dưng kéo tới không báo trước, chỉ trong chốc lát, trán Hòa nóng rực, mà người thì run bần bật, trong hầm ngoài hai người hai cái khăn dù choàng cổ, giờ mang ra quấn nhưng xem ra không ăn thua. Cái lạnh trong Hòa như từ xương thấu ra.
Cô gái xé một vạt áo, nhúng nước đắp trán cho Hòa, rồi nhiểu từng giọt nước cho Hòa uống, nhưng xem ra tình trạng không đỡ hơn. Rồi Hòa lịm đi trong một cơn sốt mê sảng, tay chân co quíu lại, miệng thì thào: “Lạnh quá! Lạnh quá!”... Không nghĩ thiệt hơn, cô gái ôm chặt Hòa, muốn một chút hơi ấm thân thể mình sẽ làm anh bớt lạnh, trong cô là một tình thương đến trào nước mắt, thương đến xót xa…
Hòa như đang lơ lửng đâu đó, không phải chiến trường, không có tiếng bom rơi đạn nổ, mà hình như là tiếng hát của ai đó lúc xa lúc gần một giai điệu rất quen… “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh/ Chúng ta ươm lại ngàn hoa sắc hương say ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu…”- (Tiến về Hà Nội- Văn Cao)…
Rồi anh thấy mình đi trong đoàn quân đang tiến vào giải phóng Thủ đô, hai bên đường cờ hoa rợp trời… Thoáng cái, anh thấy mình đang trở về ngôi nhà nhỏ xinh nơi con phố cổ Hà Nội, có người vợ yêu tựa cửa vui mừng đón đợi anh… Và đêm ấy, anh lạc say trong men ngọt điệu hoan ca mê đắm nồng nàn của tình yêu vợ chồng, anh như trôi trong một miền êm đềm dịu dàng miên man không dứt của tình chồng vợ…
Cảm giác như mật ngọt trên môi, cảm giác như có làn gió mát mơn man trên da thịt, cảm giác một sự mềm mại ấm áp trong vòng tay… Anh cứ như đắm như say trong men trong mật, được thương được yêu…
Cô gái ban đầu lúng túng vì thật sự chưa trải nghiệm về cơn sốt rét như thế này, người anh lúc nóng lúc lạnh, mà ngặt trong hầm không có thuốc sốt rét. Anh cứ run cầm cập, mà lạ, môi thì khô phồng rộp lên, nóng rẫy, cô lấy nước cho anh nhấp chút một, … Hai cái khăn dù mang ra quấn nhưng anh vẫn kêu lạnh. Rồi cô không biết làm sao cởi luôn áo mình choàng vào anh…
Cái lúc anh lả đi, miệng mê sảng, cô thương đứt ruột, rồi ôm anh, như muốn truyền hơi ấm từ mình vào anh, quên cả lúc này áo của mình cũng đã choàng vào người anh. Ừ, mà sao lúc đó, tự dưng cô nhớ ca khúc về Hà Nội, ờ, cái thời sinh viên tham gia phong trào “Tiếng hát những đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, cô đã học nhiều ca khúc cách mạng, ca khúc của ngoài ấy… Khi nghe anh lắp bắp “Hà Nội… Hà Nội”, chợt nghĩ ra có thể hát cho anh nghe.
Và rồi khi nghe cô hát, có lúc hình như anh tỉnh lại, hay vô thức, anh tung hết quần áo, cả hai cái khăn dù, rồi môi anh áp môi cô, đôi môi vẫn còn nóng hổi khô ráp, cô đáp lại nụ hôn của anh, và khi anh ập vào người cô, chỉ một thoáng vụt qua chút ngập ngừng, rồi cô buông thả cảm xúc hòa vào những xúc cảm của anh, trong cô như một chớp lóe của tình yêu, tình yêu khó giải thích nguồn cơn, tình yêu không phân biệt đúng sai, tình yêu không tính toán hơn thiệt, cô thấy mình hạnh phúc… Cũng thật khó biết điều gì đã làm cơn sốt của anh qua đi một cách kỳ diệu…
*
Một tiếng gì như đổ vỡ gần bên, anh giật mình, tất cả như một ánh chớp biến đi, anh nhanh chóng nhận ra, mình vẫn đang ở căn hầm bí mật, chỉ khác là đang ôm cô gái trong tay, cả hai quấn mình trong tấm khăn dù, và tiếng động đó là tiếng lựu đạn nổ rất gần, ngay trên miệng hầm, anh cũng nhận ra cơn sốt của mình đã lui…
Bỗng dưng anh thấy thật hổ thẹn, ngượng ngùng, vừa nhanh chóng mặc lại quần áo, vừa tránh nhìn vào cô gái, anh thầm sỉ vả thầm bản thân không biết bao nhiêu ngôn từ để thóa mạ mình.
Tại sao lại có thể hành động như thế, có khác gì những kẻ xấu xa, tại sao lại làm hại đời con gái người ta, rồi làm sao ăn nói với bà má, với đồng đội, làm sao còn nhìn mặt các anh em bè bạn... Và làm sao mà xứng với sự thủy chung chờ đợi của người vợ yêu đang từng giờ từng ngày mong tin chồng nơi chiến trận…
Đúng là tiếng chân của bà má, má ra để cho biết đã yên, quân lính rút hết rồi, vì sau 4 ngày không thấy bóng dáng Việt Cộng đâu nên vừa được lệnh rút, chúng liệng trái lựu đạn cho nổ nghe chơi và rút lẹ…
Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị gần như đã tập kết vào các vị trí, chuẩn bị cho lệnh phát hỏa đúng giao thừa, sẽ đồng loạt tổng tấn công toàn miền Nam. Hòa một lần nữa cùng đơn vị về lại 18 thôn vườn trầu, bí mật ém quân, chuẩn bị vào thành kết hợp với biệt động thành đánh mở cửa một số mục tiêu quan trọng nội đô…
Trước khi vào trận, Hòa gặp cô gái, cũng đang chuẩn bị đưa một cánh quân khác vào thành. Có lẽ linh cảm thế nào đó, khi gặp cô có chút ngập ngừng, nấn níu, tới lúc bên đoàn cô hối mau đi đã tới giờ, mới vội nói: “Em có thai rồi, anh muốn đặt tên con là gì?”. Cũng không kịp phản ứng vì cả hai cùng vội đi, Hòa nói gấp: “Con trai hay con gái cũng đặt tên Diệu, món quà kỳ diệu của chiến tranh”.
Và đó cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ.
*
Hai tháng sau Bình được về phép Hà Nội và đi cùng anh là bé Diệu. Trước đó, anh đã viết một lá thư dài, báo tin cho mẹ, và kể hết câu chuyện về cha cùng bé Diệu, anh không muốn giấu mẹ, và Bình tin là mẹ cũng sẽ tha thứ cho cha vì mẹ rất yêu cha, mẹ lại là một người mẹ, nhất định mẹ sẽ yêu bé Diệu.
Đúng như anh nghĩ, mẹ gửi thư vào nói khi nào được phép, ráng xin phép cho bé Diệu được ra Hà Nội chơi, và nếu bà ngoại bé cho phép, mẹ sẽ làm thủ tục nhận làm con, và để bé ra ngoài ấy học hành, rồi hè thì cho vào Sài Gòn thăm ngoại. Mẹ nói, bé Diệu phải được thương yêu gấp nhiều lần vì cả cha mẹ đều hy sinh cho hòa bình…
Đón anh và bé Diệu ở nhà ga Hàng Cỏ, không chỉ có mình mẹ, mà gần như cả hai họ nội ngoại cùng ra ga. Khi nhìn thấy bé Diệu, mọi người như quên mất anh, ai cũng chằm bặp, nắm tay vuốt tóc hỏi han, nựng nịu con bé, anh cả con bác nhà nội bế bé sợ đi bộ mỏi chân, sợ bị chen lấn lúc ra cửa ga… Bé Diệu không tỏ gì sợ hãi người lạ, mà y như trẻ xa nhà gặp người thân, lễ phép khoanh tay dạ thưa từng người, giọng miền Nam của bé làm cho ai nghe cũng thích.
Mẹ lặng lẽ nắm tay Bình nước mắt ngân ngấn, ngắm bé Diệu.
Truyện ngắn của Hoài HươngXem thêm: /021926-hnart-neihc-auc-gnat-auQ/neyurT/nv.moc.dnac.acnv