Cán bộ y tế tham gia phòng dịch Covid-19 sẽ được ưu tiên tiêm vaccine
Vân Phong
(TBKTSG Online) - Lô 30 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19 được nhập khẩu từ nước ngoài sẽ được dùng cho các đối tượng ưu tiên gồm: cán bộ y tế liên quan trực tiếp tới hoạt động phòng chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền với nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19, cán bộ ngoại giao.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2021. Ảnh: baochinhphu.vn |
Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết 30 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19 do công ty AstraZeneca của Anh sản xuất sẽ được cung cấp cho Việt Nam với thời gian sớm nhất là quý 1-2021.
“Vaccine mới sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên gồm: cán bộ y tế liên quan trực tiếp tới hoạt động phòng chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền với nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19, có thể tính đến cả cán bộ ngoại giao”, ông Thuấn chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2021.
Nhưng theo Thứ trưởng Thuấn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là EU đang hạn chế xuất khẩu vaccine ra bên ngoài. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đang đàm phán để đẩy nhanh quá trình mua vaccine.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đàm phán với các công ty của Nga, Mỹ, Trung Quốc để mua vaccine. Cơ quan này cũng đồng thời tiến hành việc thử nghiệm vaccine trong nước do công ty Nanogen nghiên cứu và sản xuất.
“Dự kiến giai đoạn cuối năm 2021 - đầu năm 2022 sẽ có vaccine sản xuất trong nước, kết hợp cùng vaccine nhập khẩu thì Việt Nam sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng trong cộng đồng”, ông Thuấn chia sẻ.
Với hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai chỉ thị số 05 và thông báo số 22 của Thủ tướng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo đó, tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh cần vận dụng tối đa nguồn lực, phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế để thực hiện khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm diện rộng, truy vết trong cộng đồng.
Với Hà Nội, ông Thuấn cho rằng chính quyền thành phố cần thay đổi chiến lược, đồng thời nâng mức cảnh báo và các biện pháp chống dịch lên mức cao hơn so với đợt dịch trước. Theo đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15, phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.
“Có thể xác định các trường bệnh F1 và coi F2 gần như F1. Đồng thời tiến hành truy vết, khoanh vùng nhanh, khoanh vùng rộng, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân. Nếu tất cả người dân âm tính sẽ nới lỏng dần”, ông Thuấn đề xuất.
Lý giải đề xuất của mình, ông cho biết trong số các ca dương tính với Covid-19 có bệnh nhân số 1660 đã nhiễm chủng virus mới xuất hiện ở Anh – gây quan ngại về việc dịch bệnh sẽ lây lan nhanh hơn trước đây.
“Virus có thể lây lan qua không khí, không chỉ người tiếp xúc gần”, ông Thuấn chia sẻ.
Thứ trưởng Thuấn cũng đề xuất tạm dừng các hoạt động vui chơi - giải trí và áp dụng quy định về việc bắt buộc đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu không kịp thời khắc phục, hạn chế các tác động của dịch Covid-19.
Nói về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, ông Dũng cho rằng các địa phương cần khoanh vùng nhanh, song không nên cách ly cả địa phương mà nên cách ly theo từng vùng nhằm đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng.
Còn ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ cung cấp đủ mặt hàng thiết yếu cho người dân, kể cả vùng dịch, vùng lân cận.
Ngoài ra, ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ ngành để không xảy ra tình trạng ngăn sông, cấm chợ. Nhưng ông nhấn mạnh việc đưa lưu chuyển hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế.