Kỳ vọng đường bay nội bù đắp doanh thu
Theo Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên dịp Tết Nguyên đán 2021 các hãng hàng không vẫn không khai thác đường bay quốc tế mà tập trung đường bay nội địa phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Do đó, đường bay nội địa dịp Tết Tân Sửu được tăng cường 20-30% so với Tết Canh Tý 2020. Cụ thể, Vietnam Airlines và Vasco khai thác trung bình 379 chuyến/ngày, ngày cao điểm 504 chuyến/ngày, tăng tương ứng 35,5% và 31% so với Tết Canh Tý 2020.
Tương tự, Vietjet khai thác trung bình 371 chuyến/ngày, ngày cao điểm 375 chuyến/ngày, tăng tương ứng 17% và 28%. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng lên kế hoạch khai thác trung bình 180 chuyến/ngày, ngày cao điểm 190 chuyến/ngày, tăng tương ứng 27,5% và 34%. Pacific Airlines khai thác trung bình 124 chuyến/ngày, ngày cao điểm 130 chuyến/ngày, tăng tương ứng 25% và 28%. Do vậy việc chậm chuyến là khó tránh.
Để tải được hết kế hoạch đề ra, bên cạnh các chuyến bay vào khung giờ ban ngày, các hãng hàng không sẽ tăng chuyến vào khung giờ đêm từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, với tổng số chuyến bay trung bình 140-150 chuyến/đêm. Tác động của dịch Covid-19 và việc tăng tải mạnh của các hãng đã tạo ra những diễn biến thị trường đặc biệt chưa từng có.
Đến thời điểm này, khi Tết Nguyên đán chỉ còn cách 10 ngày, việc mua vé máy bay chiều TPHCM - Hà Nội trước Tết và chiều Hà Nội –TPHCM sau Tết vẫn khá dễ dàng. Tuy giá vé những ngày cao điểm rất cao, có thể lên tới hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi nhưng vẫn chưa kịch trần như những năm trước.
Đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đều chia sẻ, kể cả khi thị trường nội địa hồi phục gần như trước dịch, các hãng vẫn lỗ nặng do giá vé bị đẩy xuống quá thấp. Vì vậy, giá vé Tết cao sẽ bù đắp được phần nào doanh thu cho các hãng sau nhiều tháng chạy đua khuyến mại với những đợt giảm giá kỷ lục để cạnh tranh.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi diễn biến dịch Covid-19 trong nước đang trở nên phức tạp, tốc độ tiêu thụ vé đã chậm lại. Giá vé của khung giờ bay đêm trong các ngày 7, 8 và 9-2 chỉ khoảng 1,6 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng/vé/chiều TPHCM-Hà Nội. Vé giờ đẹp mua thời điểm này lại hạ hơn so với mua vé cách đây 1 tuần, khoảng 2,2 - 2,5 triệu đồng/lượt.
Ở chiều Hà Nội-TPHCM, vé những ngày cao điểm sau Tết cũng còn rất nhiều loại vé giá dưới 2 triệu đồng/lượt. Thông tin từ các phòng vé cũng cho biết, do lo ngại dịch Covid-19, nhiều hành khách đã mua vé đang hỏi về thủ tục hoàn, hủy trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Điều này khiến các hãng hàng không có thể mất cơ hội bù đắp doanh thu.
Những dấu hiệu khả quan
Giá vé tết cao sẽ bù đắp được phần nào doanh thu cho các hãng hàng không sau nhiều tháng chạy đua khuyến mại với những đợt giảm giá kỷ lục để cạnh tranh. Nhưng những thông tin mới về diễn biến mới của dịch Covid-19 đang khiến cơ hội "cứu vãn” ngành hàng không trở nên mong manh.
Nhiều tín hiệu cho thấy ngành hàng không Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Kết quả kinh doanh năm 2020 của các hãng đều tốt hơn so với những kịch bản đề ra trước đó. Cập nhập đến cuối tháng 12-2020, doanh thu hợp nhất năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 42.523 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước đạt 32.983 tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch, lần lượt là 1.937 tỷ đồng (4,8%) và 448 tỷ đồng (1,4%). Số lỗ hợp nhất ở mức 14.445 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch. Mức lỗ này sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỷ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Tương tự, Vietjet cũng có những thông tin rất tích cực về kết quả sản xuất kinh doanh. Tại báo cáo tài chính quý III-2020, Vietjet chỉ đạt doanh thu 2.809 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2019 và lỗ 971 tỷ đồng.
Nhưng đến hết năm 2020, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng giám đốc Vietjet, cho biết doanh nghiệp này đã thoát lỗ ngoạn mục nhờ nhiều giải pháp linh hoạt, thay đổi các phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phúc (Viện Kinh tế, Xã hội và Công nghệ), kết quả tích cực của ngành hàng không có được nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan. Đồng thời, các hãng hàng không đã rất chủ động tìm kiếm, thực hiện các giải pháp để tự cứu mình trong cơn bão Covid-19.
Các giải pháp như cắt giảm chi phí quản lý, cắt giảm lương nhân viên, tái cấu trúc hệ thống kinh doanh và cơ cấu sản phẩm dịch vụ, chuyển từ vận chuyển hành khách sang vận chuyển hàng hóa, tái cơ cấu tài sản và các khoản đầu tư tài chính để tăng tiền mặt, cải thiện khả năng thanh toán… đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, khả năng phục hồi của các hãng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình diễn biến của bệnh dịch Covid-19.
"Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt, bay nội địa vẫn có thể được phục hồi và doanh thu được cứu vãn nhờ mùa cao điểm du lịch 2021. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vẫn cần được kéo dài hết năm 2021, giúp các doanh nghiệp có thể trụ vững, đủ sức bật dậy và sẵn sàng cạnh tranh ngay khi thị trường hồi phục” - PGS.TS Nguyễn Văn Phúc nói.
Xem thêm: mth.12361150220201202-teiv-gnohk-gnah-uuc-oc-ion-yab-gnoud/nv.ahos