Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, thành phố. Điều này tiếp tục gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống hay mua sắm do các yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh của các nhà hàng, tăng cường làm việc trực tuyến hay khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài tiếp tục được thực hiện.
Theo thông tin trên báo Sankei, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cho rằng việc kéo dài tình trạng khẩn cấp là điều không thể tránh khỏi do tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, thành phố. (Ảnh: Nikkei)
Từ sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khi lượng khách hàng của họ đã giảm đến hơn 50%, điều này khiến việc duy trì hoạt hoạt động kinh doanh sẽ rất khó khăn, sự hỗ trợ tài chính của chính phủ cần được thực hiện ngay lập tức.
Trong khi đó, thống kê trên báo Nikkei cho thấy doanh số bán hàng của các cửa hàng bách hóa lớn tại Nhật Bản trong tháng 1 vừa qua, thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp, chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020, các chuỗi cửa hàng này đã thực hiện biện pháp kích cầu mua sắm và mở thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số.
Ngoài tuyên bố tình trạng khẩn cấp, hiện Nhật Bản cũng hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong khi đó thì nhu cầu đi lại của người dân trong nước xuống thấp do đề nghị hạn chế di chuyển của chính quyền. Chịu tác động trực tiếp của tình trạng này là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Nhân viên tại một quán bar ở Tokyo chuẩn bị đóng cửa trước 8h tối nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Trên báo Yomiuri, trước khi có tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, các hãng hàng không lớn tại Nhật Bản như Japan Airlines và ANA đều dự báo nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng trở lại và công suất các đường bay quốc tế khôi phục khoảng 50%, đường bay nội địa khôi phục khoảng 70%.
Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo tài chính của các hãng này đều cho thấy tình hình kinh doanh tiếp tục ảm đạm. Trong 9 tháng qua, lượng hành khách quốc tế của ANA giảm khoảng 96% và lượng khách nội địa cũng giảm khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến từ tháng 1 đến tháng 3, đường bay quốc tế chỉ đạt công suất khoảng 6% và đường bay nội địa chỉ đạt 30%. Để cân bằng tài chính các hãng này buộc phải cắt giảm nhân viên và cơ cấu lại quỹ lương để duy trì hoạt động kinh doanh.
Vừa qua, Nhật Bản cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế lần 3 trong năm tài khóa 2020 bao gồm ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, tuy nhiên nếu không triệt để xử lý vấn đề dịch bệnh COVID-19, các hoạt động kinh doanh khó có thể khôi phục như trước đây.
VTV.vn - Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong gần 1 năm qua, gần 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản phải tuyên bố phá sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!