Các thương nhân dự báo xuất khẩu càphê trong năm 2021 sẽ khả quan hơn vì sản lượng trên thế giới đã giảm mạnh.
Nguồn cung giảm sẽ đẩy giá cà phê tăng
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cho biết: Xuất khẩu càphê tháng 1.2021 ước đạt 120 nghìn tấn với trị giá 217 triệu USD.
Trong tháng 1.2021, giá càphê giảm trên thế giới. So với tháng trước, giá càphê robusta giao tháng 3.2021 thị trường London giảm 63USD/tấn, xuống còn 1.323USD/tấn.
Giá càphê thế giới đã tác động kéo giá càphê tại thị trường trong nước giảm theo. Giá càphê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hiện đang ở mức 31.000-31.500 đồn/kg, giảm 1.500 đồng/kg. Giá càphê robusta giá FOB giao tại cảng TP.Hồ Chí Minh giảm 51USD/tấn, xuống còn 1.390USD/tấn.
Tuy nhiên, một số doanh nhân cho rằng, thị trường xuất khẩu càphê thế giới được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2021, thậm chí, nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì nhu cầu càphê hòa tan tại nhà sẽ tăng cao khi nhiều nước thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Cacao Việt Nam cho rằng, với việc sản lượng càphê toàn cầu và Việt Nam đang có xu hướng giảm như hiện nay, giá càphê có thể tăng trong năm 2021 ở thời gian tới, bởi thị trường càphê đã trải qua chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp. Do đó, giá càphê sẽ phục hồi trong năm 2021 bởi lượng giảm.
Sau thị trường Châu Âu (EU), thị trường Đông Nam Á đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu càphê, đạt 160.997 tấn, tương đương 328,36 triệu USD. Tiếp sau đó là thị trường Mỹ với 142.482 tấn, tương đương 254,89 triệu USD, tăng 3,2% giá trị kim ngạch.
Xuất khẩu càphê hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA
Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, trước đó, tháng 12.2020 càphê xuất khẩu có giá 1.821 USD/tấn, giảm 5,4% với với tháng 11.2020. Mặc dù vậy, cả nước xuất khẩu 139.046 tấn, kim ngạch đạt 253,23 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 57% kim ngạch so với tháng trước.
Theo Cục Chế biến và Xuất khẩu thị trường nông sản, từ khi thực thi EVFTA, đà xuất khẩu càphê đã được hỗ trợ bởi hiệp định này. Đức là thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 14,3% tổng khối lượng và chiếm 12,8% tổng kim ngạch xuất khẩu càphê của cả nước, đạt 223.581 tấn (tương đương 350,41 triệu USD).
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm càphê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại càphê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% khi thực thi EVFTA đã tạo lợi thế cho càphê Việt Nam.
Hơn nữa, càphê Việt Nam là một tỏng 39 danh sách chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ ttheo EVFTA đã tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành càphê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Được biết, EU hiện đang là thị trường tiêu thụ nhiều càphê của Việt Nam nhất, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu càphê sang EU đạt 1,2-1,4 tỉ USD/năm trong 5 năm qua).