Binh lính Mỹ hoạt động tại Vilseck, Đức - Ảnh: U.S. European Command
Trong phát biểu đầu tiên về chính sách quốc phòng và đối ngoại ngày 5-2 tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Biden thông báo về đợt đánh giá.
"Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ dẫn đầu đánh giá tình hình toàn cầu đối với các lực lượng quân sự Mỹ trên thế giới để sự hiện diện của chúng ta phù hợp với lợi ích quốc gia", Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Biden nói.
Trong khi đó, ông Austin trong tuyên bố cùng ngày cho biết thêm Lầu Năm Góc sẽ đánh giá từ sự hiện diện, nguồn lực đến chiến lược, các sứ mệnh của quân đội Mỹ, để "đảm bảo có năng lực phù hợp ở những vị trí phù hợp và hỗ trợ công việc của các nhà ngoại giao".
"Tôi sẽ đưa lời khuyên đến các tổng tư lệnh về cách chúng ta phân bổ lực lượng quân sự tốt nhất vì lợi ích quốc gia. Việc xem xét sẽ do quyền thứ trưởng quốc phòng phụ trách về chính sách dẫn đầu, với sự tham vấn chặt chẽ của chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân", ông Austin nói.
Đảo ngược chính sách
Việc đánh giá cũng sẽ có tham vấn với các đồng minh của Mỹ. "Như tôi đã nói vào ngày đầu tiên làm việc, không ai làm được việc này một mình. Từ Afghanistan và Trung Đông, khắp châu Âu, châu Phi và bán cầu của chúng ta, đến vùng rộng lớn phía tây Thái Bình Dương, Mỹ sát cánh với các đồng minh cũ và mới, các đối tác lớn và nhỏ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm các binh sĩ Mỹ ở Washington ngày 29-1 - Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, ông Biden cũng thông báo kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Đức sẽ bị hoãn lại cho đến sau đợt đánh giá của Lầu Năm Góc, đi ngược với kế hoạch của chính quyền cũ.
Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch rút một lượng đáng kể quân số ở Đức, được cho là để phản ứng với việc Berlin không chịu tăng mức chi tiêu quốc phòng.
Mỹ có một số cơ sở quân sự lớn ở Đức, bao gồm căn cứ không quân Ramstein, trụ sở của Bộ Tư lệnh châu Âu và Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ và Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl, bệnh viện lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Không chỉ Đức, chính quyền ông Trump thường đem kế hoạch rút quân để mặc cả, gây sức ép lên các đồng minh. Theo Yonhap, ông Trump cũng từng ám chỉ giảm bớt quân số ở Hàn Quốc để thúc đẩy đàm phán về việc chia sẻ chi phí cho việc triển khai quân Mỹ.
Tờ Wall Street Journal tuần trước cũng đưa tin chính quyền ông Biden có thể điều chỉnh lại quân số ở Afghanistan và Iraq.
Trước khi chính thức nhậm chức, ông Austin nói sẽ xem xét sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Trung Đông để giải quyết các thách thức - "bao gồm cả từ Trung Quốc và Nga." Ông cũng nói sẽ sửa đổi quyết định rút quân của chính quyền ông Trump.
Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, ông Trump cam kết chấm dứt "các cuộc chiến tranh bất tận" và đưa quân đội Mỹ về nước. Cựu tổng thống Mỹ đã cắt giảm quân số ở Iraq và cố gắng đạt được hiệp định hòa bình với nhóm Taliban ở Afghanistan. Vào năm 2018, ông Trump gây bất ngờ khi tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi Syria, chỉ để lại một lực lượng nhỏ nhằm bảo vệ nguồn dầu mỏ.
Ưu tiên đào tạo quốc tế
Khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1, ông Biden cam kết sẽ "sửa chữa các liên minh của chúng ta và gắn kết với thế giới một lần nữa" với tư cách là một "đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy vì hòa bình, tiến bộ và an ninh."
Đối với Lầu Năm Góc, điều đó có nghĩa là các chương trình đào tạo quân sự nước ngoài, một số trong số đó bị phớt lờ dưới thời chính quyền Trump, sẽ được chú ý trở lại như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đánh giá là "khoản đầu tư dài hạn quan trọng".
Tờ Military Times ngày 4-2, dẫn lời các chuyên gia cho biết ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden sẽ là các chương trình đào tạo nước ngoài trong bố cảnh căng thẳng quân sự Mỹ - Trung leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Trong tất cả những thứ sẽ bị cắt giảm trong ngân sách quốc phòng của Mỹ, điều này sẽ không phải là một trong số đó, bởi vì có vẻ như rất rõ ràng là qua những người được ông Biden bổ nhiệm cho thấy chính quyền mới rất quan tâm đến việc củng cố quan hệ với các đối tác và đồng minh", ông Jonathan Caverley, giáo sư chiến lược tại Trường cao đẳng Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định.
Theo ông Caverley, chính quyền ông Biden có khả năng tập trung vào "cạnh tranh với Trung Quốc thay vì đối đầu", và điều đó có thể chuyển thành việc tăng cường đào tạo cho quân nhân các nước châu Á, thể hiện trong sự thay đổi thành phần sắc tộc và khu vực của chương trình nghiên cứu quân sự.
"Chúng ta sẽ thấy rằng có ít binh lính được đào tạo từ Afghanistan, Iraq, các quốc gia khác nhau trong vùng Vịnh và ta sẽ thấy sự tập trung nhiều hơn vào các quốc gia châu Á", ông Caverley nói.
TTO - Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên, Tổng thống Biden cam kết 'đối đầu trực tiếp những thách thức do Bắc Kinh đặt ra cho sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ' của Mỹ.
Xem thêm: mth.44562553150201202-nedib-gno-ioht-ym-auc-iom-meid-ueihn-gnohp-couq-hcas-hnihc-ol-eh/nv.ertiout