"Mỗi tuần Vina T&T Group xuất khẩu khoảng 100 tấn trái cây tươi các loại như: vú sữa, thanh long, chôm chôm, xoài,… sang Mỹ để phục vụ kiều bào đón Tết. Mọi năm thường sẽ có lượng hàng lớn đi bằng đường tàu biển nhưng năm nay vận chuyển đường biển khó khăn, thiếu container, cước cao nên trái cây chủ yếu vận chuyển bằng đường hàng không. Hơn nữa, hàng Tết để trưng bày, cúng kiếng, biếu tặng cần phải tươi và hình thức đẹp nên đi máy bay là thích hợp nhất, chỉ cần 2 ngày sau khi thu hoạch là đã đến Mỹ. Dù vậy, chi phí vận chuyển đường hàng không vốn cao nay còn cao hơn, khoảng 6,5 USD/kg (từ mức 3 USD/kg trước đây) người tiêu dùng tại Mỹ và một số nước phải trả giá cao hơn để mua trái cây Việt" - ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cho biết thêm mùa Tết thanh long ruột đỏ được khách hàng tại Mỹ chuộng nhất do loại quả tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài ra, thanh long vỏ vàng ruột trắng cũng được người tiêu dùng ưa thích do mẫu mã đẹp, lạ mắt.
Đóng gói trái cây tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) Ảnh: AN NA
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cũng thông tin xuất khẩu trái cây tươi cận Tết rất khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước diễn biến phức tạp. "Trái cây tươi gần như không dám xuất khẩu đường biển vì thời gian lấy hàng quá lâu, phải mất 2-3 tuần, quá rủi ro với chủ hàng nên hàng hóa tập trung vận chuyển bằng đường hàng không. Mùa Tết công ty chủ yếu xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng, vú sữa, bưởi, thanh long sang Mỹ, Úc, Trung Quốc. Năm nay, vú sữa tím và vú sữa bơ hồng được kiều bào ở Mỹ đón chào nồng nhiệt vì mẫu mã đẹp, bảo quản tốt và ăn ngon. Từ năm ngoái đến nay, xuất khẩu khó khăn nhưng tín hiệu tốt là nông dân tại các vùng nguyên liệu hợp tác rất tốt với doanh nghiệp trong việc chăm sóc trái cây để bảo quản tốt hơn. Khi nông dân đồng hành với doanh nghiệp, chuỗi giá trị trái cây sẽ được nâng cao" - bà Vy bày tỏ.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, mùa Tết, nhu cầu các thị trường nhập khẩu có cả hàng tươi lẫn chế biến. Tuy vậy, năm nay do dịch bệnh, thiếu container nên xuất khẩu rau quả nói chung giảm. "Trong tháng 1, xuất khẩu rau quả ước đạt 256 triệu USD, giảm 7,65% so với cùng kỳ năm 2020. Giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc do công tác kiểm soát dịch bệnh, khử khuẩn nên tốc độ giao hàng rất chậm. Giữa lúc đầu ra giảm mà nông dân sản xuất tập trung tăng sản lượng dịp Tết nên mặt bằng giá trái cây năm nay thấp" - ông Nguyên nói.
Xem thêm: mth.69493902250201202-tet-nod-ym-gnas-pan-pat-iout-yac-iart/et-hnik/nv.moc.dln