Dù không phải là những địa phương có dịch nhưng người trồng hoa lẫn kinh doanh hoa Tết ở phía Nam đều thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì mọi thứ đảo lộn hoàn toàn.
Thương lái đồng loạt bỏ cọc
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do ảnh hưởng của dịch bệnh suốt 1 năm qua nên nhà vườn ở Lâm Đồng đã chủ động giảm diện tích hoa vụ Tết khoảng 20% (hơn 1.000 ha) so với năm ngoái. Thay vì tập trung vào số lượng, vụ này người trồng hoa đã sáng tạo ra nhiều kiểu hoa mới đa dạng về màu sắc, độ lớn, điều chỉnh (khống chế) được thời gian nở đúng dịp Tết với mong muốn sẽ tiêu thụ tốt. Thế nhưng, dịch Covid-19 bất ngờ chuyển biến phức tạp, một phần vì hoa Trung Quốc giá rẻ tràn về đã khiến những người trồng hoa lao đao.
Ông Lê Nguyên Lâm (50 tuổi, ngụ thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), nói nhiều nhà vườn trong huyện như đang ngồi trên lửa vì chưa thấy thương lái đến gom hàng. "Gia đình tôi có gần 10 vạn cành lay ơn đã ký hợp đồng với thương lái giá 20.000 đồng/bó 10 cành nhưng tới giờ họ vẫn chưa đến lấy. Mấy hôm nay, tôi phải bán đổ bán tháo cho các mối lẻ ở trong tỉnh Lâm Đồng để vớt vát tiền công và giống" - ông Lâm ngao ngán.
Ghi nhận tại thủ phủ hoa lay ơn tại xã Hiệp An với 200 ha, dù đã tới ngày thu hoạch nhưng giá bán lại rất rẻ. Từ 40.000 đồng/bó 10 bông trước thời điểm dịch bùng phát, hiện nay người dân chỉ bán cầm chừng 10.000 - 15.000 đồng/bó. Thậm chí, có thời điểm xuống chỉ 5.000 đồng/bó.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), nhận định nguy cơ người trồng hoa vụ Tết ở Đà Lạt, Lâm Đồng năm nay thua lỗ là rất cao mặc dù hiệp hội vào cuộc gửi công văn đề nghị tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ hoa Đà Lạt, đồng thời ra sức giới thiệu các nhà xe uy tín, giá rẻ giúp người trồng hoa… nhưng đến nay, tình hình không mấy cải thiện.
Tương tự, tại làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), thủ phủ hoa của ĐBSCL, diện tích trồng và số lượng hoa Tết năm nay dù giảm rất nhiều so với năm trước nhưng tình hình tiêu thụ cũng không được như mong muốn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu như khoảng 2 tuần trước, thương lái từ nhiều nơi tìm đến làng hoa Sa Đéc để đặt hàng mua cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, hồng, cát tường... thì vài ngày gần đây, họ lặn mất tăm, buộc nông dân phải chật vật tìm đầu ra. Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các đầu mối mua cúc mâm xôi tới đặt hàng trễ hơn năm trước. Những loại hoa khác cũng còn lại hơn 30% nhưng chưa thấy ai đến mua. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp để kích cầu nhưng nông dân vẫn khó khăn trong khâu tiêu thụ hoa Tết".
Chợ hoa Tết ở Công viên 23 Tháng 9 vắng hoe trong ngày 5-2 Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ông Trương Ngọc Tấn (ngụ xã Tân Khánh, TP Sa Đéc) cho hay giá các loại hoa, kiểng chưng Tết như: cát tường, hạnh, vạn thọ, hồng... đã giảm hơn 30% so với năm trước nhưng mấy ngày nay, đa số thương lái đến từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ đã bỏ cọc vì hàng hóa vận chuyển ra Bắc gặp khó do nhiều địa phương có dịch, sức mua giảm mạnh. "Nhiều thương lái sẵn sàng bỏ cọc 10 - 15 triệu đồng, chứ nhận hàng còn lỗ nặng hơn. Một số đầu mối đã lên hàng trả tiền nhưng sau đó mang trả lại hoặc nhờ nông dân tiêu thụ giúp vì không đem ra Bắc được" - ông Tấn nói trong buồn bã.
Ông Đoàn Hữu Bốn, Phó Chủ nhiệm Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cũng cho biết 2 nhà vườn trong làng hoa vừa bị thương lái bỏ tiền đặt cọc, không lấy hàng. Trong khi đó, những nhà vườn đã đưa hoa, kiểng ra chợ hoa để bán nhưng khá ế ẩm dù giá cả ngang bằng với mọi năm, như: cúc Đài Loan có giá 220.000 đồng/cặp, cúc mâm xôi 350.000 đồng/cặp, vạn thọ cao giá 300.000 đồng/cặp…
Tại tỉnh Phú Yên, nông dân trồng nhiều loại hoa như mai, cúc, quất, lay ơn để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và xuất bán các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, do đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương đã trả đơn đặt hàng, không nhận hoa. "Tôi trồng gần 1.000 chậu cúc đỏ. Khách hàng ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã đặt mua toàn bộ với giá 600.000 đồng/chậu. Cứ nghĩ cầm chắc hơn nửa tỉ đồng. Thế nhưng, đùng một cái khách hàng bỏ tiền cọc, không ai đến mua. Bây giờ, tôi phải bán tháo với giá 300.000 đồng/chậu mà vẫn rất ít người mua" - ông Trần Công Duật, một nông dân trồng hoa ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa chia sẻ.
Giá nào cũng bán
Tại TP HCM, đến sáng 5-2, tức 24 tháng chạp, hoa, kiểng Tết từ nhiều tỉnh, thành đã tập kết đầy đủ về các chợ hoa Xuân như Công viên Lê Văn Tám, Công viên 23 Tháng 9 (quận 1); Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), khu vực Bến Bình Đông (quận 8) và những chợ hoa của từng quận, huyện, TP Thủ Đức. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, cả lượng người mua và người bán đều thưa thớt hẳn so với những năm trước. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cũng như thu nhập của người dân sụt giảm sau 1 năm dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết những người đem hoa, kiểng lên TP bán Tết, ai nấy đều thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi dự tính của nhà vườn. Ông Trần Văn Minh, nhà vườn ở Chợ Lách, Bến Tre, chở hoa lên bán ở Bến Bình Đông, cho biết năm nay thời tiết thuận lợi, chất lượng hoa chậu đều đạt, kể cả mai cũng có nhiều nụ và to hơn năm trước nhưng sức mua và giá bán lại không như ý muốn, xem như cái Tết này không được vui.
Cũng ở khu vực này, ông Hoàng Lâm chở hơn 400 chậu tắc từ Bến Tre lên bán Tết, trong đó có chậu tắc hơn 20 năm tuổi được chào giá chỉ có 6 triệu đồng/chậu nhưng khi khách trả 5 triệu đồng ông cũng bán, còn giảm thêm 200.000 đồng tiền vận chuyển. Ông Lâm cho biết năm nay chỉ dám đưa lên nửa số tắc ở vườn vì sợ không bán được dù mức giá giảm khá mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc theo Bến Bình Đông chỉ có khoảng 50 ghe hoa cập bến, khá ít so với những năm trước, nhiều nhất là mai, tắc kiểng. Ông Phận, cũng ở Bến Tre, mang lên đây 2 ghe lớn mai bonsai, bán với giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến một vài triệu đồng/chậu, giảm 20%-30% so với năm ngoái.
Tại Công viên 23 Tháng 9, hoa đào tràn ngập, chiếm hết mặt đường Lê Lai. Đào năm nay có chất lượng tốt hơn năm ngoái nhưng giá bán cũng giảm khá nhiều. Cây nhỏ có mức giá từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, cây lớn vài triệu đến hơn chục triệu đồng. Ông Thái, bán đào Thái Bình, cho biết người bán không dám nói cao như những năm trước, mà giảm giá đến 10%-20% thậm chí 30% cũng bán. Nguyên nhân là do nhiều địa phương miền Bắc gặp dịch, tiêu thụ khó khăn phải chở vào miền Nam bán để mong gỡ vốn.
Ở chợ hoa Công viên Gia Định, ông Hiền bán tắc kiểng than thở mỗi chậu ông bán giảm giá hơn 300.000 đồng/cặp so với giá năm ngoái nhưng vẫn rất ít người mua. Những người bán cúc mâm xôi cũng giảm cả trăm ngàn đồng còn 200.000 - 300.000 đồng/cặp, vạn thọ 100.000-120.000 đồng/cặp nhưng nếu có khách muốn giảm thêm nhà vườn cũng bán để chạy dịch.
Trước tình trạng vắng khách mua hoa, ban tổ chức chợ hoa du di cho khách chạy xe máy vào bên trong công viên để xem và mua hoa thay vì phải gửi xe bên ngoài. Việc này nhằm thu hút người dân đến với các chợ hoa.
Kêu gọi hỗ trợ người trồng hoa
Ngày 5-2, UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc triển khai những giải pháp hỗ trợ nông dân trồng hoa tiêu thụ trong dịp Tết nguyên đán 2021. UBND huyện Đức Trọng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trực tiếp đến những hộ trồng hoa trên địa bàn để mua, trang trí trong gia đình những ngày Tết, kích cầu tiêu thụ hoa, hỗ trợ người trồng hoa vượt qua khó khăn hiện nay.
UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) cũng vừa có thư kêu gọi người dân của tỉnh mua hoa Tết để giúp cho những nhà vườn trồng hoa. Ông Nguyễn Lương Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết ngày Tết đã cận kề nhưng các hộ chỉ mới bán được khoảng 10% số hoa Tết. "Các hộ trồng hoa đều đang rất sốt ruột, lo lắng vì nếu không bán được hoa Tết năm nay coi như họ sẽ trắng tay và có nguy cơ nợ ngân hàng" - ông Sinh nói.
Bố trí lộ trình ưu tiên cho xe tải chở hoa vào TP HCM
Ngày 5-2, Sở Giao thông Vận tải TP HCM thông báo lộ trình lưu thông cho các phương tiện vào khu vực nội đô TP HCM để phục vụ tổ chức Chợ hoa Tết Tân Sửu - năm 2021.
Cụ thể, các loại xe tải vận chuyển hoa tươi vào khu vực nội đô TP được phép lưu thông từ ngày 6 đến 11-2 trong khung giờ từ 6 giờ đến 7 giờ và từ 21 giờ đến 22 giờ. Lộ trình 1: đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt - Hải Thượng Lãn Ông - Học Lạc - Hồng Bàng - Phú Thọ - Lạc Long Quân - Tống Văn Trân - Chợ hoa Đầm Sen. Lộ trình 2: đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ - Lý Thái Tổ - Hồ Thị Kỷ.
Sở Giao thông Vận tải yêu cầu người điều khiển phương tiện phải lưu thông đúng lộ trình và mục đích đã nêu, không vận chuyển những loại hàng hóa bị cấm theo quy định pháp luật. Đồng thời, khi lưu thông vào nội đô TP phải tuân thủ nội dung cho phép và các quy định khác của pháp luật về giao thông đường bộ.
"Khi lưu thông phải mang theo thông báo này và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng kiểm soát giao thông trên đường bộ. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Giao thông Vận tải TP HCM để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện", thông báo nêu.
Xem thêm: mth.11731802250201202-aum-iougn-gnav-tet-aoh/et-hnik/nv.moc.dln