Nhiều địa phương dừng bắn pháo hoa, hủy lễ hội tết Tân Sửu
Minh Duy
(TBKTSG Online) - Tết Tân Sửu này, niềm hân hoan chào đón pháo hoa mừng thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới của người dân nhiều địa phương đã bị Covid-19 dập tắt. Để ngăn dịch, nhiều tỉnh, thành đã quyết định ngừng bắn pháo hoa, hủy nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội trong dịp tết.
Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo người dân nên sẵn sàng với việc thay đổi kế hoạch đón tết vào phút chót.
Đường hoa Nguyễn Huệ tết Tân Sửu đang trong giai đoạn hoàn tất. Tết này, khách tham quan đường hoa phải thực hiện giãn cách cùng các quy định đảm bảo phòng dịch. Ảnh: AT |
TPHCM giảm quy mô lễ hội tết, tăng năng lực xét nghiệm
Trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM tại cuộc họp Thường trực UB chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị các hoạt động lễ hội nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Nguyễn Thành Phong, nhận định tuy thành phố chỉ mới ghi nhận một ca nhiễm có yếu tố dịch tễ liên quan đến tỉnh Hải Dương nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu.
Ba câu hỏi cần cân nhắc khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tết 2021: 1. Các khuyến cáo hiện tại của cơ quan y tế là gì? 2. Tình hình dịch trong khu vực định ăn tết như thế nào? 3. Bản thân và những người cùng ăn tết có thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19 hay không? |
Vì thế, để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm cho người dân đón tết an toàn, chu đáo, lãnh đạo thành phố yêu cầu, các đơn vị tổ chức những hoạt động lễ hội, sự kiện phục vụ tết như Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách, Hội hoa Xuân, Chợ hoa "Trên bến dưới thuyền" giảm quy mô, thời lượng tổ chức...
Đơn vị tổ chức phải tổ chức các điểm chốt chặn ở lối vào, bảo đảm thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn. Những đơn vị tổ chức các gian hàng ẩm thực tại sự kiện, lễ hội, hội chợ chỉ được bán mang đi, không phục vụ ăn uống tại chỗ
Chủ tịch UBND thành phố xác định công tác phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu trong năm 2021, giao Sở Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo công suất xét nghiệm từ 15.000 - 20.000 mẫu/ngày; tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị chính phủ chấp thuận chủ trương tạm dừng tiếp nhận cách ly chuyên gia từ nước ngoài về TPHCM, trình UBND trước ngày 8-2 tới.
Hàng loạt địa phương dừng, hủy điểm bắn pháo hoa
Sau khi một số tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc hủy hoặc giảm số điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa, hàng loạt địa phương khác như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Quảng Trị, Quảng Nam... cũng quyết định dừng bắn pháo hoa và hủy nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật trong dịp tết để phòng dịch.
Trước đó, một số địa phương có kế hoạch bắn pháo hoa tại nhiều điểm để người dân chào đón năm mới. Trong đó, Hà Nội định bắn pháo tại 30 quận, huyện, thị xã nhưng Thành ủy thành phố đã đề nghị không bắn pháo hoa trên diện rộng mà nghiên cứu tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại 1 điểm thích hợp với yêu cầu không tập trung đông người, truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân.
Mới đây, thành phố Đà Nẵng cũng đã có định hạn chế tập trung đông người, khuyến khích người dân xem bắn pháo hoa đêm giao thừa tại nhà. Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ tổ chức bắn tại ba điểm gồm điểm ở cầu Nguyễn Văn Trỗi, khu phức hợp thương mại cao tầng Phương Trang - khu F và khu trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
Khuyến cáo người dân sẵn sàng đổi kế hoạch đón tết
Sáng nay (6-2), bản tin lúc 6 giờ của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 có tin vui là cả nước không có ca mắc mới. Tuy nhiên, cơ quan y tế yêu cầu người dân tiếp tục thắt chặt các biện pháp an toàn, đặc biệt là vào dịp tết để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
Theo khuyến cáo đón tết an toàn của Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, người dân nên sẵn sàng với việc thay đổi kế hoạch đón tết vào phút chót. Mỗi người cần cân nhắc kỹ 3 câu hỏi khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tết này, gồm các khuyến cáo hiện tại của cơ quan y tế là gì; tình hình dịch trong khu vực định ăn tết như thế nào; bản thân và những người cùng ăn tết có thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19 hay không?
Để giảm tối đa nguy cơ mắc Covid-19 khi đi lại, cơ quan y tế kêu gọi người dân cập nhật, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương về hạn chế đi lại và các khuyến cáo giữ an toàn; không đi lại nếu bị ốm hoặc đã tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trở lại đây.
Thêm vào đó, Bộ Y tế và WHO tại Việt Nam cũng kêu gọi người dân luôn thực hiện các biện pháp an toàn khi đi lại trong dịp nghỉ lễ, tết và khi lưu trú ở các địa điểm công cộng như khách sạn, nhà nghỉ. Trước khi đến, kiểm tra nơi sẽ ở để chắc chắn là ở đó có áp dụng các biên pháp phòng ngừa Covid-19, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong toàn bộ thời gian lưu trú .
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp 5K gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách để phòng dịch- Không tụ tập - Khai báo y tế để phòng dịch, đón tết Tân Sửu an vui.
Xem thêm: lmth.uus-nat-tet-ioh-el-yuh-aoh-oahp-nab-gnud-gnouhp-aid-ueihn/575313/nv.semitnogiaseht.www