Tác phẩm Thổi sáo của họa sĩ Lê Minh
Trong tâm thức người Việt, hình ảnh con trâu chăm chỉ làm việc dưới đồng, thơ thẩn gặm cỏ vẫn luôn đại diện cho tính cách giản dị, chịu khó.
Chính vì vậy, không có gì lạ khi con trâu trở thành nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào cho các nghệ sĩ trong dịp năm mới.
Lời nói thay cho người nông dân
Hơn 20 năm bén duyên nghiệp vẽ cũng là quãng thời gian họa sĩ Lê Minh đưa trâu vào các sáng tác. Từ ngày thực tập mỹ thuật ở vùng trung du Bắc Bộ, hình ảnh con trâu và người nông dân đã đeo đuổi anh và trở thành chủ đề chính trong hành trình nghệ thuật.
Vẽ nhiều là vậy, con trâu của họa sĩ Lê Minh vẫn luôn có hình ảnh mập mạp tượng trưng cho nguyện ước về sự sung túc của nhà nông.
"Dù nghề nông luôn gắn với chuyện cơm áo gạo tiền, được mùa, thất bát nhưng tôi vẫn cho rằng người làm nông luôn có sự thanh thản trong tâm hồn và một niềm mong mỏi về ngày mai đủ đầy.
Vì "con trâu là đầu cơ nghiệp" nên tôi gói ghém ước muốn trên vào thân hình của chúng như một lời nói thay cho người nông dân" - họa sĩ chia sẻ. Lối vẽ của họa sĩ Lê Minh dùng nhiều thủ pháp đồng hiện cùng phong cách tối giản chi tiết trong tranh. Các tác phẩm như một cuộc đối thoại giữa nông dân và ngộ tính của trâu.
Tác phẩm Con trâu nằm ngủ của họa sĩ Hoàng A Sáng
Cũng gắn trâu với hình ảnh ruộng đồng, mỗi họa sĩ lại có cách nhìn độc đáo. Họa sĩ Hoàng A Sáng đưa tính thiền vào tranh với hình ảnh con trâu bên đóa sen trắng, họa sĩ Phạm Văn Cường lại thể hiện sự sum vầy của gia đình nhà trâu giữa cây cỏ xanh ngát.
Vốn là người nặng tình với phố cổ Hà Nội, những bức tranh vẽ trâu năm nay của họa sĩ Nguyễn Minh được kết hợp với hình ảnh phố phường, đem đến cho công chúng trải nghiệm lạ lẫm. Theo cách nói dân dã "khỏe như trâu", họa sĩ Nguyễn Minh đã ví hình ảnh người Việt (ở cả nông thôn và thành thị) như đàn trâu mạnh mẽ, cùng nhau vượt qua khó khăn và đẩy lui đại dịch.
"Con trâu là linh vật của Việt Nam không chỉ vì chúng xuất hiện nhiều trong đời sống đồng dao, tranh tượng mà còn là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người dân" - anh nói.
Tác phẩm Trâu đàn của họa sĩ Nguyễn Minh
Dự án 1.010 tượng trâu
Cùng suy nghĩ với họa sĩ Nguyễn Minh, tượng sơn mài trên gỗ mít mang tên Trâu hóa rồng của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thành hình.
Thông qua bức tượng có kích thước 25x35mm, tác giả đã thần thánh hóa hình ảnh con trâu với mong mỏi đất nước sẽ được lột xác trong năm mới và vững vàng trên hành trình phòng chống dịch bệnh.
Bức tượng trên nằm trong dự án 1.010 tượng trâu của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát được đặt tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nhằm chào mừng 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sau nhiều tháng thực hiện dự án, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát có cái nhìn hoàn toàn khác về con giáp này. Anh dần kết hợp giữa hình ảnh trâu và những hoa văn cổ, giữa trâu và những loài vật khác... tạo nên góc nhìn đa chiều về loài vật đã thân quen với mọi người.
Với tiến độ thực hiện 1 tác phẩm trong vòng 15 ngày và không có mẫu nào giống nhau, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát dự tính đến tháng 5-2021 đàn trâu ngàn con của anh sẽ hoàn thành.
Tác phẩm Trâu hóa rồng của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát - Ảnh: NVCC
Chất liệu sáng tác của anh cũng thuần truyền thống với sơn mài và gỗ mít (thường được dùng ở các đền thờ và đi vào đời sống tâm linh người Việt).
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát bộc bạch: "Ngày nay gỗ mít ít được sử dụng, do nhu cầu dùng than củi không còn nhiều. Nhặt nhạnh gỗ mít để làm tác phẩm, tôi mong muốn mình có thể góp một phần nào để bảo vệ môi trường, song song đó là giữ gìn nguồn cội văn hóa".
Vì gắn bó mật thiết với người nông dân, từ xa xưa con trâu cũng được "ưu ái" trong tranh dân gian Đông Hồ.
Có thể nói chúng là con vật được thể hiện nhiều nhất với nội dung đa dạng: chọi trâu, cưỡi trâu, chăn trâu thả diều...
Bức tranh Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu thể hiện một ước mơ nông nhàn, được hòa mình vào thiên nhiên của người Việt xưa.
TTO - Coi con trâu như cái cột của ngôi nhà văn hóa, văn minh Việt, các họa sĩ nhóm G39 mang đến một cuộc ‘tiễn Tí đón Sửu’ rực rỡ bằng một cuộc triển lãm cảm xúc.
Xem thêm: mth.85703901170201202-hcid-iad-iul-yad-uart-cus-gnom/nv.ertiout