Truyền thông địa phương ngày 6/2 dẫn lời Bộ trưởng Lao động Marta Elena Feito Cabrera cho biết, biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh quốc đảo Caribe đang tìm cách phục hồi sau suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, Chính phủ sẽ mở rộng số lĩnh vực mà các doanh nghiệp tư nhân nhỏ có thể tham gia hoạt động từ 127 lên hơn 2.000 lĩnh vực.
Chính sách này đã được thông qua tại cuộc họp Hội đồng các Bộ trưởng Cuba. Tuy nhiên, vẫn sẽ có 124 lĩnh vực là trường hợp ngoại lệ, nhưng các hãng truyền thông không cung cấp thông tin chi tiết.
Các nhà kinh tế Cuba có tư tưởng cải cách từ lâu đã kêu gọi Chính phủ mở rộng vai trò của các doanh nghiệp nhỏ để giúp thúc đẩy nền kinh tế và tạo việc làm.
Năm ngoái, kinh tế Cuba đã giảm 11% do chịu tác động kép của đại dịch lẫn lệnh cấm vận của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, Chủ tịch Cuba, ông Miguel Diaz-Canel, cho biết Chính phủ sẽ thực hiện một loạt cải cách nhằm tăng xuất khẩu, cắt giảm nhập khẩu và kích cầu trong nước sau khi Cuba đã có một năm 2020 đầy khó khăn. Các biện pháp sẽ bao gồm cải thiện hoạt động cho khu vực ngoài quốc doanh, với ưu tiên ngay lập tức trong việc mở rộng các nghề tự do và loại bỏ các trở ngại cho lĩnh vực này.
Trong sáu tháng qua, Chính phủ Cuba cũng đã cấp cho các doanh nghiệp nhỏ quyền tiếp cận các chợ đầu mối và xuất nhập khẩu, mặc dù chỉ thông qua các công ty nhà nước.
Khu vực ngoài quốc doanh - không bao gồm nông nghiệp với hàng trăm nghìn trang trại nhỏ, hàng nghìn hợp tác xã và lao động - chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã nhỏ, cùng nhân viên, nghệ nhân thủ công, lái xe và các thương gia.
Bộ trưởng Lao động Cuba cho biết hiện có hơn 600.000 người lao động trong lĩnh vực trên, chiếm khoảng 13% lực lượng lao động trên cả nước. Tất cả họ đều được coi là lao động tự do và ước tính khoảng 40% số này phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch hoặc làm việc trong lĩnh vực giao thông công cộng.
Nền kinh tế Cuba đã suy giảm tới 11% vào năm 2020, do sự kết hợp giữa đại dịch COVID-19 tàn phá ngành du lịch và các lệnh trừng phạt cứng rắn của Chính phủ Mỹ. Cuộc khủng hoảng đã buộc Chính phủ phải đẩy nhanh triển khai một loạt các cải cách, từ việc tổ chức lại hệ thống tiền tệ, đến bãi bỏ một số quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!