Ngày 9-2, UBND TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại những khu vực có ca bệnh. Đối với những khu vực lân cận thì áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Có một thực tế không ai muốn xảy ra là dịch COVID-19 đã xuất hiện và tồn tại trong cộng đồng. Mỗi cá nhân chúng ta cần phải chấp nhận thực tế này để cùng nhau hành động có trách nhiệm.
Virus SARS-CoV-2 có thể ở bất kỳ đâu ngay xung quanh chúng ta, trong cái giỏ của bà đi chợ, trong cái nút bấm thang máy, trong cái ghế quán cà phê,.... Và nguy hiểm hơn nữa, biến thể của nó tồn tại và lây lan ngay trong không khí, với tốc độ nhanh hơn.
Từ khi có những ca dịch bùng phát tại Hải Dương, Quảng Ninh..., một lãnh đạo ngành y tế từng nói, với loại virus biến thể từng phát hiện cách đây vài ngày, nếu bỏ sót một F1 khi đã biến thành F0 trong một tuần thì sẽ có thêm 300 người bị lây.
Trong khi đó, một số người dân vẫn chưa thực sự tôn trọng các quy tắc phòng chống dịch. Thông tin từ các phương tiện truyền thông cho biết có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết. Điều đó khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn...
Người đến khám bệnh khai báo y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: HL
Còn ít ngày nữa là Tết, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch đã phải gác lại tết để lo việc đại sự. Ngoài sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thì rất cần trách nhiệm phòng chống dịch từ mỗi cá nhân trong cộng đồng. Hãy bảo vệ chính mình và bảo vệ mọi người xung quanh, đừng vì bất cứ lý do nào mà lơ là trong phòng và chống dịch bệnh.
Nếu một người thuộc diện phải khai báo y tế nhưng tìm mọi cách để gian dối, tránh né thì có thể từ F1 nhanh chóng thành F0 và lây lan cộng đồng, đặt cộng đồng vào rủi ro vô cùng lớn. Họ không chỉ đặt bản thân vào vùng nguy hiểm mà còn đặt cả gia đình mình và cả cộng đồng đối diện nguy cơ tổn hại không chỉ về kinh tế mà còn cả tính mạng.
Để bất cứ một chính sách nào được vận hành thành công bao giờ cũng cần các trụ cột là nhà nước và cộng đồng cùng chung tay giải quyết. Các cơ quan nhà nước dù có nhiều biện pháp, dù năng lực có mạnh đến đâu để truy vết khoanh vùng và dập dịch mà nếu không được sự giúp đỡ tích cực từ cộng đồng, từ người dân thì kết quả phòng chống dịch sẽ không đạt được như mong đợi.
Hơn lúc nào hết, mỗi công dân hãy lo cho mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng xung quanh mình bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch triệt để và trung thực trong khai báo y tế.
Hãy vì lợi ích lâu dài mà bỏ đi cái lợi trước mắt!