Du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch bùng phát toàn cầu trong năm qua đã buộc các chính phủ phải đóng cửa biên giới, áp dụng lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa nghiêm ngặt.
Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết lượng du khách quốc tế đã giảm 74% trong năm 2020 so với năm trước, tức giảm khoảng 1,1 tỷ lượt. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch toàn cầu thụt lùi về thời điểm năm 1990.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch thế giới chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, gần như không bị gián đoạn trong suốt nhiều thập kỷ. Kể từ năm 1980, số lượt khách quốc tế đã tăng vọt từ 277 triệu lên gần 1,5 tỷ vào năm 2019.
Theo biểu đồ bên dưới, hai cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 3 thập kỷ qua gồm đại dịch SARS vào năm 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 gây ra ảnh hưởng không đáng kể với ngành du lịch so với Covid-19.
Theo khu vực, châu Âu chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về số lượng tuyệt đối, với lượng khách quốc tế giảm 500 triệu lượt (tương đương 70%) so với năm 2019. Còn tính theo tỷ lệ phần trăm, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến mức giảm mạnh nhất là 84%, tương đương 300 triệu lượt. Theo sau là Trung Đông và châu Phi với mức giảm cùng là 75%, còn Bắc và Nam Mỹ giảm 69%.
Hầu hết chuyên gia nhận định ngành du lịch thế giới sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2021 khi mà nhiều quốc gia vẫn đang phải vật lộn với các làn sóng dịch bệnh mới.
Một cuộc khảo sát của UNWTO cho thấy 45% chuyên gia được hỏi dự báo tình hình ngành du lịch sẽ khả quan hơn trong năm 2021, trong khi 30% dự đoán tình hình xấu đi. 25% còn lại nhận định tình hình sẽ diễn ra tương tự như năm 2020. Cũng theo khảo sát này, 43% chuyên gia cho rằng ngành du lịch thế giới sẽ mất 3 năm để phục hồi lại mức trước đại dịch (tức năm 2023) và 41% cho rằng điều này chỉ xảy ra vào năm 2024 hoặc muộn hơn.
Theo ước tính của UNWTO, các lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu để phòng dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại khoảng 1.300 tỷ USD. Báo cáo của tổ chức này cho biết đã có khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành đã có nguy cơ mất việc làm, trong đó chủ yếu đến từ các doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ.
"Chúng tôi kỳ vọng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp phục hồi tâm lý người tiêu dùng và giảm bớt các hạn chế đi lại. Từ đó, hoạt động du lịch sẽ trở lại mức tương đối bình thường dù với tốc độ chậm trong năm 2021", ông Zurab Pololikashvili, tổng thư ký của UNWTO, cho biết. "Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thức rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa kết thúc".
Người đứng đầu UNWTO cho biết việc điều phối và số hóa các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan đến hoạt động du lịch - như xét nghiệm Covid-19, truy vết và chứng nhận tiêm chủng vaccine - là những nền tảng chủ chốt để thúc đẩy du lịch an toàn trong đại dịch.
Xem thêm: mth.56593957111201202-91-divoc-hcid-iad-iv-man-03-iul-tuht-ioig-eht-hcil-ud-hnagn/nv.ymonocenv