Ngay khi phát động chương trình cứu trợ khẩn cấp người dân rốn lũ miền Trung thân yêu (tháng 10 và 11-2020), báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được sự đồng hành của vợ chồng nghệ sĩ Trường Giang - Nhã Phương. Và chính cặp đôi này đã làm cầu nối để nhiều nghệ sĩ khác cùng đồng hành với báo hướng về miền Trung.
“Tụi mình sẽ đi miền Trung ngay”
Ngày 13-10-2020, báo Pháp Luật TP.HCM chính thức kêu gọi sự hỗ trợ, chia sẻ của người dân, doanh nghiệp và bạn đọc. Chỉ một ngày sau, trong những buổi đi quay gặp các nghệ sĩ khác, Trường Giang, Nhã Phương đều chia sẻ về dự định cùng Pháp Luật TP.HCM đến với miền Trung. Thế là lần lượt Thu Trang, Tiến Luật, Diễm My 9x, Trương Thế Vinh, Ái Phương, Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Kim Oanh, Nam Khánh... đồng lòng hưởng ứng. Ai cũng nóng lòng muốn đến với miền Trung ngay. “Báo giúp bà con đi, tụi mình sẽ sắp xếp đi cùng ngay”.
Sáng sớm ngày 15-10-2020, Trường Giang, Trương Thế Vinh bắt đầu quay clip để báo có thêm công cụ truyền thông, quảng bá cho chương trình. “Lũ lụt năm nào cũng có nhưng năm nay miền Trung khổ quá sức. Quảng Nam, Đà Nẵng và cả Huế vừa qua đợt dịch COVID-19 lại tới bão lụt. Thiên tai làm rất nhiều gia đình mất mát người và của. Trong cuộc sống có lẽ không gì đau bằng gia đình ly tán, con mất mẹ, mất cha…” - Trường Giang chia sẻ.
Đoàn nghệ sĩ đồng hành với chương trình Hướng về miền Trung do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Ảnh: TỰ SANG
Những chuyến bay tờ mờ sớm
Các nghệ sĩ đến với miền Trung không chỉ bằng vật chất, món quà trao tặng, mà còn là sự san sẻ chân tình với người dân. Bởi với họ, “đây có lẽ là thời điểm mà ai cũng cảm thấy thiên nhiên đang mỗi ngày mỗi quá tàn nhẫn với người dân miền Trung. Là một người con miền Trung, Vinh chẳng thể ngồi yên được nữa” - Trương Thế Vinh viết trên Facebook chia sẻ về hành trình đến miền Trung của mình.
Lịch trình sắp xếp để các nghệ sĩ cùng báo Pháp Luật TP.HCM đến miền Trung thay đổi liên tục bởi đó là giai đoạn miền Trung hứng chịu hết bão đến áp thấp nhiệt đới rồi lại bão. Đưa nghệ sĩ đến cứu trợ, đem tấm lòng, tình cảm đến với người dân nhưng phải đảm bảo an toàn cho đoàn cứu trợ lẫn chính quyền địa phương, người dân.
Sau tám ngày nhận lời đồng hành với báo, ngày 23-10-2020, các nghệ sĩ bay chuyến sớm nhất đến Huế, sau đó tiếp tục lên xe đi đến Quảng Bình để cùng báo thực hiện đợt cứu trợ đầu tiên vào ngày 23 và 24-10-2020.
Từ 5 giờ sáng 23-10-2020, Diễm My 9x đã đến sân bay Tân Sơn Nhất để bay đến Huế. Hóa ra đêm trước đó, Diễm My có chương trình diễn về khuya, sợ trễ chuyến bay nên thức chờ ra sân bay luôn. Diễm My 9x cùng trợ lý đến Huế từ hơn 7 giờ sáng và tranh thủ chợp mắt ngay tại sân bay Phú Bài chờ nhóm nghệ sĩ Trường Giang, Nhã Phương, Ái Phương, Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa đến. Đến 8 giờ 30 sáng 23-10-2020, toàn bộ bảy nghệ sĩ đã cùng có mặt tại Huế, diễn viên Kim Oanh cũng từ Hà Nội vào đến trong đêm 22-10-2020.
May mắn thay, khi đoàn đến Huế thì trời hửng nắng, gió bão vẫn còn nhưng nước đã rút bớt. Chuyến xe nghệ sĩ từ Huế đến Quảng Bình đầy ắp những câu chuyện, ký ức của mỗi người về mảnh đất miền Trung. Diễm My 9x, Ái Phương, Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa không sinh ra, lớn lên tại miền Trung nên dọc hành trình từ Huế đến Quảng Bình, một hình ảnh miền Trung xơ xác sau bão, lũ khiến họ ngậm ngùi. Người này chỉ cho người kia vạch nước còn hằn trên tường nhà của người dân, hay nhà kia vẫn còn ngập trong nước lũ…
Đoàn đến Quảng Bình đã quá giờ trưa, các nghệ sĩ luôn thúc “kiếm đại quán cơm nào bên đường tấp vô ăn lẹ còn ra kẻo bà con chờ tội lắm”. Sau bữa cơm trưa ăn vội tại Đồng Hới, cả đoàn đi nhanh đến thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) để trao 350 phần quà.
Trường Giang gốc miền Trung và anh có những ký ức buồn về những ngày mưa lũ miền Trung thuở nhỏ. Ảnh: TỰ SANG
Nhờ lụt nên... được gặp nghệ sĩ
Những ngày đoàn cứu trợ của báo cùng nghệ sĩ đến Quảng Bình thì nước đã rút dần, nhiều đoàn cứu trợ cũng có mặt. Thế nhưng khi thấy các nghệ sĩ đến, nhiều người dân ở huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy đã đặt tạm ngay những phần quà xuống chỉ để vòng tay ôm nghệ sĩ một cái.
Không chỉ vậy, nhiều người còn theo chân nghệ sĩ đến tận cuối thôn, dẫn đường cho đoàn tới những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ chỉ cần được ôm vai bá cổ, chụp chung tấm ảnh hoặc đứng xa nhìn nghệ sĩ thật là đã thấy vui. “Lâu ni chỉ thấy chú Trường Giang, Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa trên ti vi, may chừ có lụt mới được gặp mấy chú”, nhiều người nói như thế.
Sau ngày đầu tiên trao quà từ chiều đến tối, tối 23-10-2020, Diễm My 9x có việc đột xuất tại Sài Gòn nên sáng sớm 24-10-2020, khi đoàn tiếp tục đến với người dân ở huyện Lệ Thủy, Diễm My 9x không thể có mặt. Dẫu đã vào đến Sài Gòn nhưng Diễm My vẫn luôn nhắn tin đến đoàn để được cập nhật tình hình chuyến cứu trợ…
Cơn lũ đi qua, tình người ở lại
Mỗi khi lũ lụt đến rồi qua đi, người nghèo trắng tay thì người giàu cũng sạt nghiệp. Nói như anh Phạm Văn Chinh, trưởng thôn Bình Minh, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thì: “Lũ qua, hộ nào cũng thiệt hại nhưng như nhà tôi vẫn còn kinh doanh lại được, còn những hộ nghèo thì mất trắng...”.
Bình Minh là thôn có 350 hộ dân ngập 100% trong đợt bão, lũ này. Có nhà ngập sâu đến gần 3 m. Có nhà mất hết tài sản là trâu bò; có nhà kinh doanh xay xát lúa, trữ 30 tấn thóc cũng ướt sạch. Chính vì thế, các nghệ sĩ đã trực tiếp đến những hộ dân khó khăn nhất của thôn Bình Minh, nơi lũ đã qua năm ngày nhưng nước vẫn còn cao gần 1 m để chia sẻ. Thấy hoàn cảnh nhà ông Phạm Ngọc Dũng, gia đình ngập sâu nhất và có tài sản duy nhất là ba con bò đã trôi sạch theo nước lũ, Trường Giang và Lê Dương Bảo Lâm đã tặng ngay cho gia đình số tiền đủ để mua hai con bò…
Dọc đường đi, cả đoàn đều xót xa khi thấy tràn ngập thóc ướt phơi đầy lối đi, thôn xóm. Thóc ướt phơi khô rồi chỉ còn có thể cho gà, vịt ăn nhưng gà vịt thì lại trôi hết theo dòng nước… Cuộc sống chẳng biết bấu víu vào đâu.
Ban đầu đoàn dự định sẽ rời Quảng Bình vào 17 giờ ngày 24-10-2020 để vào Huế, rồi tối bay về Sài Gòn. Tuy nhiên, từ sáng sớm 24-10-2020, tất cả các chuyến bay đều dời sớm hơn vì khả năng tối đó bão lại tiếp tục đổ bộ miền Trung. Mọi người đành phải gấp rút chuyển giờ bay sang chiều và rời khỏi Quảng Bình lúc 13 giờ.
Sự gấp gáp này khiến đoàn không thể nán lại chia sẻ với bà con lâu nên mỗi nghệ sĩ mang trong mình một nỗi niềm mà họ hứa sẽ trở lại. Ngay sau khi chương trình đồng hành với Pháp Luật TP.HCM kết thúc, trên chuyến xe từ Quảng Bình trở lại Huế để bay vào Sài Gòn, Ái Phương đã viết tiếp trên Facebook kêu gọi tiếp tục hỗ trợ người dân miền Trung. Ái Phương còn cẩn thận chia sẻ những loại nhu yếu phẩm, vật dụng… mà người miền Trung đang cần để ổn định lại cuộc sống. Còn Nhã Phương về Sài Gòn tiếp tục tổ chức một buổi garage sale những đồ đạc của chính mình, góp quỹ để Trường Giang âm thầm trở lại hỗ trợ nhiều gia đình ở miền Trung một lần nữa.
Khi đến những vùng khó khăn, điều các nghệ sĩ quan tâm nhất không phải để hình ảnh họ đẹp hơn, chương trình họ đồng hành được lan tỏa hơn, mà chính là sự ấm áp mà họ mang lại cho người dân địa phương. Sự đồng hành bằng nụ cười ấm áp, lời an ủi chân tình, hay bằng con bò, tạ thóc... đều đáng quý vô cùng. Nhờ những người như họ, người dân trong lẫn sau hoạn nạn không thấy mình cô độc…
Gần 5 tỷ đồng đến tay bà con miền Trung Từ ngày 16-10 đến 2-11-2020, báo Pháp Luật TP.HCM đã đến các tỉnh miền Trung gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hỗ trợ khẩn cấp, trao hơn 4.000 phần quà và tiền mặt cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ. Tổng số tiền mặt và quà tặng đã trao vào khoảng 3,6 tỉ đồng. Tiếp theo đó, trong tháng 12-2020, báo Pháp Luật TP.HCM đã đến tận nhà 64 hộ dân tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị để trao tiền hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tái thiết cuộc sống cho người dân sau bão. Tổng số tiền trao trong đợt này là hơn 1 tỉ đồng. Ký ức những ngày mưa lũ của Trường Giang Trong hành trình đến với miền Trung, Trường Giang luôn xót xa với những gia cảnh mất hết của cải, tài sản, người thân... “Ngày xưa, má tui mất cũng trong mùa mưa lũ. Nhà mọi người bây giờ còn có bốn bức vách, nhà tui xưa còn không có vách, gió lộng tứ phía” - Trường Giang nói. Chuyện mẹ của Trường Giang mất là một ký ức đau thương mà gia đình lẫn chính anh thường ít khi nhắc đến. Cha mẹ Giang gốc Tam Kỳ (Quảng Nam) nhưng cả gia đình theo nhà nội vào khu nông trường Thái Hiệp Thành (Đồng Nai) làm kinh tế mới từ sau năm 1975. Ngoài chị đầu thì cả bốn anh em Giang đều sinh tại đây. Đồng Nai thuở đó rất khó khăn, chưa đến 10 năm sau, ông bà ngoại Giang lại đón cả gia đình về lại Quảng Nam sống cùng ông bà ngoại. Đó là những ngày cha của Giang làm tài xế, mẹ tất bật cho những chuyến buôn hàng từ Tam Kỳ đến Sài Gòn và ngược lại. Một ngày mưa miền Trung vào tháng 10 âm lịch năm 1987, ông ngoại ngã bệnh. Mẹ của Giang từ Đồng Nai phải đón xe về Quảng Nam gấp bởi sợ rằng ông không qua khỏi. Mẹ của Giang trên xe khách từ Sài Gòn về vừa qua khỏi đèo Cả ở Phú Yên khoảng 10 km, tài xế xe ngủ gật nên xe bị lật… Mẹ mất tròn hai tuần sau thì ông ngoại cũng qua đời. Câu chuyện đó mãi mãi gia đình Trường Giang không ai quên. Công ty của Trường Giang bây giờ là của gia đình bốn anh em Giang, cả gia đình làm việc và lâu nay âm thầm giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và khi đồng hành với báo Pháp Luật TP.HCM, có lẽ đó là lần đầu tiên Trường Giang - Nhã Phương “ra mặt” kêu gọi những hoạt động thiện nguyện. |