Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang xây dựng, đưa ra một số định hướng phát triển và giải pháp thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn trong một số lĩnh vực. Đây là nội dung quan trọng được nêu ra tại Đề án "Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là Tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới" đang được Bộ KH-ĐT lấy ý kiến hoàn thiện để trình Chính phủ.
Theo Bộ KH-ĐT, đối tượng của đề án là các DNNN quy mô lớn, trọng tâm là các TĐKT, tổng công ty (TCT) nhà nước, chủ yếu tập trung vào đối tượng là 17 TĐKT, TCT có quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Dựa trên chủ trương của Đảng, Nhà nước, đánh giá tình hình của các DNNN, đề án đưa ra một số định hướng phát triển và giải pháp thúc đẩy việc hình thành các DNNN lớn trong một số lĩnh vực.
Đối với định hướng phát triển trong ngành năng lượng, đề án tập trung vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Bộ KH-ĐT cho biết sẽ xây dựng PVN có tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế. Đưa PVN trở thành tập đoàn dầu khí quốc gia ngang tầm với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia….
Đồng thời, nghiên cứu định hướng cổ phần hóa trong giai đoạn 2025-2030 đối với Công ty mẹ -PVN để đóng vai trò chi phối và dẫn dắt trong hoạt động dầu khí, đảm bảo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Định hướng phát triển cho PVN trong đề án là trở thành tập đoàn dầu khí quốc gia ngang tầm với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia….
Đến năm 2025, tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện. Trong đó, thăm dò khai thác được xác định là cốt lõi, vẫn duy trì liên kết hữu cơ 3 lĩnh vực: Thăm dò khai thác - khí - chế biến dầu khí. Tối đa xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ dầu khí, chỉ tham gia vào khối dịch vụ kỹ thuật dầu khí, lĩnh vực dịch vụ dầu khí chỉ giữ lại mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Thực hiện thoái vốn dần trong lĩnh vực điện.
Sau năm 2025, tập trung vào 3 lĩnh vực chính trong liên kết hữu cơ: Thăm dò khai thác - khí - chế biến dầu khí; xã hội hóa tối đa lĩnh vực điện và dịch vụ dầu khí, chỉ tham gia (đầu tư tài chính) trên cơ sở tiêu chí hàng đầu là hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo tập đoàn vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng phát triển kinh tế của đất nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Cơ quan soạn thảo đề án xác định xây dựng EVN trở thành TĐKT hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực, đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ và hợp lý các khâu sản xuất - truyền tải - phân phối, kinh doanh điện; đảm bảo khả năng truyền tải công suất nguồn điện, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo; sắp xếp lại để thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam: Trong dự thảo đề án nêu rõ, TKV được định hướng trở thành TĐKT mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững. "TKV không chỉ dừng lại khai thác thô mà còn phải lựa chọn một số tài nguyên mà Việt Nam có thế mạnh để tinh chế, xuất khẩu nhằm đem lại giá trị gia tăng cao"- dự thảo đề án nêu rõ.
Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex: DN này được định hướng phát triển trở thành một tập đoàn năng lượng hàng đầu của Việt Nam, lấy kinh doanh xăng dầu làm trục chính, thực hiện đa sở hữu, tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính có liên quan và phụ trợ cho kinh doanh xăng dầu. Phấn đấu trở thành 1 trong 10 DN hàng đầu của Việt Nam về quy mô DN và hiệu quả kinh doanh.
Petrolimex được định hướng phấn đấu trở thành 1 trong 10 DN hàng đầu của Việt Nam về quy mô DN và hiệu quả kinh doanh
Trong ngành viễn thông, Bộ KH-ĐT cho biết Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được định hướng chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số. Đến năm 2030, trở thành Trung tâm số-Digital Hub ở khu vực Châu Á và chủ động, tiên phong tham gia gánh vác 3 trụ cột của nền kinh tế số Việt Nam (hạ tầng và dịch vụ số, tài nguyên số, chuyển đổi số).
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển tại các thị trường VNPT đã tham gia đầu tư, đặc biệt là tại Lào và Myanmar. Tìm kiếm mở rộng thị trường kinh doanh dịch vụ viễn thông (Telco), dịch vụ số/đa phương tiện (Digital Media) tại thị trường nước ngoài tiềm năng (Lào, Nepal, Indonesia, Philippines…). Tìm kiếm thị trường tại các quốc gia phát triển để nghiên cứu khả năng đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp số.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone: Theo cơ quan soạn thảo đề án, DN này sẽ được phát triển trở thành một trong những DN viễn thông chủ lực quốc gia về cung cấp các dịch vụ viễn thông, phát triển dịch vụ viễn thông di động sử dụng các công nghệ nâng cấp và công nghệ mới, tập trung phát triển dịch vụ dữ liệu trên nền mạng di động và các dịch vụ tích hợp và dịch vụ giá trị gia tăng.
MobiFone sẽ được phát triển trở thành một trong những DN viễn thông chủ lực quốc gia về cung cấp các dịch vụ viễn thông
Đồng thời, điều chỉnh MobiFone từ DN khai thác viễn thông truyền thống sang DN số, tạo động lực cho sự phát triển các lĩnh vực kinh doanh-kỹ thuật-đầu tư.
Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel: Theo Bộ KH-ĐT, Viettel được xác định sẽ trở thành TĐKT năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và nước ngoài, vươn ra thị trường quốc tế để hiện thực hóa trở thành một tập đoàn kinh doanh toàn cầu. Đồng thời là động lực nòng cốt cho phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Thực hiện tái định vị thương hiệu Viettel phù hợp với định hướng giai đoạn phát triển thứ tư của Tập đoàn - giai đoạn chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó tập trung nguồn lực để hình thành một hệ sinh thái mạnh, đóng vai trò trung tâm kết nối số, trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Đối với ngành nông nghiệp, đề án nêu rõ, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ phát triển nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế - môi trường - xã hội, thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội. Tiếp tục nâng cao vai trò của tập đoàn trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập người lao động. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc: Bộ KH-ĐT cho biết DN này được định hướng trở thành DN sản xuất, chế biến kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu Việt Nam.
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam: Trở thành DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, đứng vị trí số 1 về sản xuất kinh doanh rừng trồng và giống lâm nghiệp. Đứng trong Top 10 về chế biến gỗ. Có vai trò, vị trí, thương hiệu lớn trong ngành lâm nghiệp Việt Nam và thị trường quốc tế. Lấy phát triển lâm nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao làm nền tảng cốt lõi cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Bộ KH-ĐT cho biết Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ưu tiên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt trên cơ sở kết hợp cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có với đầu tư xây dựng mới từng bước vững chắc, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt trong vận tải công cộng tại các thành phố lớn, trước mắt ưu tiên Thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Đồng thời, từng bước nâng cao thị phần vận tải và phát triển vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, chất lượng cao, chi phí hợp lý, nhanh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics và các công trình hỗ trợ cho vận tải hàng hóa.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam: DN được xác định là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, lực lượng vận tải chủ lực tại Việt Nam với hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, trong đó mảng vận tải hàng không đóng vai trò trung tâm, cùng với các công ty con, công ty vốn góp hoạt động trong mảng dịch vụ phụ trợ hàng không (bao gồm sửa chữa bảo dưỡng, xăng dầu, dịch vụ mặt đất, suất ăn trên máy bay…) bổ sung hỗ trợ cho nhau.
Đến năm 2025, dự kiến có đội máy bay với 135 chiếc đạt mục tiêu vận chuyển 39,5 triệu lượt hành khách và luân chuyển đạt 57,6 triệu hành khách. Đến năm 2030, phát triển ngang tầm tiên tiến với các hãng trên thế giới và phát triển dịch vụ Internet trên máy bay trong lộ trình định vị hàng không 5 sao quốc tế và chuyển đổi toàn diện để trở thành hãng hàng không kỹ thuật số (digital airlines).
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Xây dựng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là DN nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam với năng lực khai thác trong cả 3 lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, logistics. Tổng công ty là một trong những DN hàng đầu của cả nước với nền tảng cơ sở vật chất và bộ máy điều hành chuyên nghiệp, có thể cung cấp dịch vụ chuỗi trọn gói cho khách hàng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Là DN nhà nước, có vai trò chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư khai thác cảng hàng không, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế song song đó thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nhóm DN thuộc lĩnh vực công nghiệp bao gồm Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam... được định hướng tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính như: Sản xuất, kinh doanh hóa chất cơ bản và các sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam: Trong đề án, Tổng công ty được định hướng trở thành một ngành kinh tế phát triển theo hướng bền vững, kết hợp phát triển công nghiệp sản xuất xi măng và quản lý tài nguyên trong dài hạn, có công nghệ tiên tiến, bảo vệ tốt môi trường, cảnh quan thiên nhiên; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đa dạng nguyên, nhiên liệu; sử dụng các loại chất thải công nghiệp, phế thải xây dựng, phế thải sinh hoạt trong sản xuất xi măng.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ phát triển với ngành kinh doanh cốt lõi là dệt may, và các ngành kinh doanh hỗ trợ là tài chính, hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống phân phối bán lẻ
Cuối cùng là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Bộ KH-ĐT cho biết, tập đoàn sẽ phát triển với ngành kinh doanh cốt lõi là dệt may, và các ngành kinh doanh hỗ trợ là tài chính, hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống phân phối bán lẻ. Đồng thời, đưa tập đoàn trở thành công ty đầu tư định hướng trong ngành dệt may. Củng cố vai trò quan trọng của tập đoàn trong việc hướng tới xây dựng chiến lược xanh hóa ngành dệt may trong nước.
Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích
Theo Bộ KH-ĐT, cần hoàn thiện chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy sự phát triển và mở rộng quy mô của DN, thúc đẩy hình thành, phát triển bền vững DNNN quy mô lớn, trọng tâm là TĐKT, TCT.
Theo đó, rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật chuyên ngành (như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất…và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật này) để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, giải quyết những khó khăn bất cập.
Đồng thời, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các TĐKT, TCT nhà nước phát triển liên kết, hình thành các chuỗi giá trị có sự tham gia của các DN thuộc các thành phần kinh tế khác.
Xem thêm: mth.34893548011201202-oan-eht-uhn-neirt-tahp-gnouh-hnid-coud-coun-ahn-nol-gno-71/et-hnik/nv.moc.dln