Sáng Xuân trên công trình lớn nhất Đà Nẵng
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Sáng Mùng Một Tết Tân Sửu, những công nhân vẫn làm việc miệt mài tại dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt ven biển phía Đông và nâng cấp công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Các công nhân thuộc dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt ven biển phía Đông và nâng cấp công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vẫn làm việc sáng Mồng Một Tết. Ảnh: Nhân Tâm |
Đây được xem là công trình lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng nếu tính về độ bao phủ với độ dài 3,5km và là một dự án quan trọng về môi trường nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối xả thải ra biển.
Bảy giờ sáng, ông Hoàng Văn Lộc đã đồng phục chỉnh tề, đứng gác bảo vệ tại một công trình trạm thu gom nước thải thuộc dự án. Ông Lộc đã xung phong ở lại dự án, trực Tết. “Quê tôi ở Đại Lộc, giáp với huyện miền núi Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. Hết Tết tôi sẽ về quê vui cùng gia đình”, ông Lộc chia sẻ.
Tại một công trình trạm thu gom nước thải khác trên con đường dọc biển, những công nhân thậm chí thức dậy còn sớm hơn để “khai nước” đầu năm. Họ hì hục với ống nước thải và những con robot khổng lồ. “Phải mất 2-3 năm nữa toàn bộ công trình mới hoàn thành. Nhưng chúng tôi ý thức rằng mỗi giây mỗi phút đều rất quý lúc này để đưa dự án sớm vận hành ngày nào sẽ giúp bảo vệ môi trường tốt ngày nấy”, một công nhân của dự án chia sẻ.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, vào tháng 8-2019 UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án cải thiện môi trường nước phía Đông (thuộc quận Sơn Trà) với tổng mức đầu tư lên tới 1.447 tỉ đồng. Dự án nhằm khắc phục tình trạng nước thải sinh hoạt xả ra bãi biển Sơn Trà.
Theo đó, thành phố sẽ xây dựng hệ thống cống bao thu gom toàn bộ nước thải và một phần nước mưa. Hạn chế nước mưa chảy tràn ra các khu vực bãi tắm trong mùa khô, bảo đảm môi trường, cảnh quan và hoạt động du lịch.
Đồng thời, thành phố cũng nâng cấp công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà để đảm bảo xử lý nước thải tập trung đến năm 2030. Công trình này sử dụng công nghệ xử lý nước thải sinh học. Công suất vận hành bình thường 40.000m3/ngày và 100.000m3/ngày khi trời mưa.
Trong trường hợp lượng mưa vượt công suất xử lý, các bơm nước mưa sẽ tự động bơm xả ra âu thuyền Thọ Quang.
Dự án cũng bao gồm cải tạo các cửa xả, ngăn không cho nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống thoát nước. Xây dựng tuyến cống chuyển tải nước thải và nước mưa từ đường Hoàng Sa về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà.
Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Đà Nẵng quản lý thực hiện.
Trước đó, tình trạng nước thải sinh hoạt đen kịt xả ra bãi biển Đà Nẵng thường xuyên xảy ra sau những đợt mưa lớn, gây lo ngại cho hoạt động du lịch và môi trường biển Đà Nẵng.
Nhiều năm qua, đoạn bờ biển từ phía bắc Công viên Biển Đông đến bán đảo Sơn Trà dài khoảng 3,5km (thuộc các phường Phước Mỹ, Mân Thái và Thọ Quang, quận Sơn Trà) diễn ra tình trạng nước thải chảy tràn ra biển do chưa được đầu tư hệ thống cống bao, trạm bơm thu gom nước thải.
Đoạn bờ biển này có 7 cửa xả nước mưa ra biển nhưng chỉ có cửa xả ở phía bắc dự án Khu du lịch thể thao và giải trí biển Temple được lắp đặt các cửa van tự lật để lưu giữ nước thải và nước mưa đối với các trận mưa nhỏ.
Với sáu cửa xả còn lại (cửa xả đối diện đường Hồ Thấu, Hồ Ngọc Lãm và Thành Vinh, cửa xả phía bắc bến xe buýt Thọ Quang, cửa xả của tuyến cống Thọ Quang - Biển Đông và tuyến mương nước dọc đường Trần Nguyên Hãn - Lương Hữu Khánh), hầu hết đều chưa được đầu tư cửa van để ngăn nước thải, nước mưa. Trước tình hình đó, nhằm ngăn bớt nước thải ra biển, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (XLNT) Đà Nẵng đã thực hiện giải pháp tình thế là đắp bờ tại các cửa xả.
TBKTSG Online ghi nhận một vài hình ảnh của dự án này vào sáng Mùng Một Tết Tân Sửu.
Xem thêm: lmth.gnan-ad-tahn-nol-hnirt-gnoc-nert-naux-gnas/917313/nv.semitnogiaseht.coaid