Nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt - người có những tác phẩm gai góc, từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề kinh tế.
Cần chính sách “quyến rũ” nhà đầu tư nước ngoài
PV: Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống ở Việt Nam. Những hậu quả từ tác động này đã được thấy rõ, nhưng đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh nghiệm và năng lực ứng phó của Chính phủ như thế nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Đại dịch là một nguy cơ toàn cầu có thật, một nguy cơ toàn xã hội có thật. Chỉ nguyên ý thức được sự “có thật” của nó cũng đủ làm cho các Chính phủ trên thế giới trưởng thành hơn, trong đó có cả Chính phủ và hệ thống chính trị của chúng ta.
Phải thấy rằng, mọi nguồn phát triển có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam đều nằm ở bên ngoài Việt Nam. Dịch bệnh làm cho hầu hết các đối tác của nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Cả những thị trường mà Việt Nam vẫn cung ứng hàng hóa lẫn những thị trường cung ứng hàng hóa cho Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng chính dịch bệnh đã tạo cơ hội để chúng ta nhận ra tính liên hệ quốc tế, các dịch chuyển kinh tế quốc tế là có thật và chúng ta phải nhận ra trước để chuẩn bị.
PV: Năm 2021, chúng ta hy vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế nước nhà, nhất là khi Việt Nam đã tham gia và ký kết thành công một số hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội như thế nào, nhất là đối với các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Phải khẳng định việc tham gia các hiệp định thương mại tự do là cơ hội của Việt Nam. Trong khi muôn vàn khó khăn chúng ta đã có một vài hướng để nhìn, đấy chính là cơ hội. Trước hết, các hiệp định này có tác dụng duy trì niềm hy vọng về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, còn nó có thật sự mang lại kết quả không thì còn phải chờ đợi.
Giao lưu kinh tế thế giới thường thể hiện dưới hai hình thức căn bản là đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế. EVFTA hay CPTPP đều tạo ra cả triển vọng phát triển đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu muốn có được hiệu quả đầu tư của hiệp định EVFTA thì Chính phủ phải có chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp để khích lệ, “quyến rũ” các đầu tư từ khu vực châu Âu.
Nếu muốn phát triển thương mại thì chúng ta phải chuẩn bị hàng hóa để tạo ra sự cân bằng thương mại. Sản xuất chính là động lực cơ bản của phát triển thương mại quốc tế. Nếu không có sản xuất thì sẽ không có xuất khẩu. Không có hàng xuất khẩu thì sẽ trở thành một nền kinh tế nhập siêu. Và nếu không có sản xuất thì xã hội không có tiền, không có sức mua. Như vậy, sản xuất chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra cân bằng thương mại. Khó cân bằng thương mại có nghĩa là chúng ta không phải là một nền kinh tế bình đẳng đối với cộng đồng kinh tế quốc tế.
Từng bước khôi phục, tạo đà phát triển
PV: Thưa ông, năm 2021 chính là năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn. Ông có kỳ vọng gì về Nghị quyết lần này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Đầu năm 2021, nhiều loại vắc-xin Covid-19 sẽ được lưu thông trên thị trường, chúng ta đều hy vọng vắc-xin sẽ tạo ra một thực tế tích cực. Khi làm chủ được các rủi ro liên quan tới sinh mạng của mình thì con người tự tin hơn, lúc đó kinh tế sẽ quay trở lại tốc độ phát triển của nó.
2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tôi hy vọng các dự báo và mong muốn mà Đảng ta đưa ra trong Nghị quyết phù hợp với thực tế. Tôi cũng mong rằng, Nghị quyết lần này sẽ tạo ra sự thống nhất của các yếu tố tích cực, khích lệ kinh tế phát triển.
PV: Thị trường Trung Quốc vẫn là đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân thương mại của Việt Nam. Đối với nền kinh tế láng giềng này trong những năm tiếp theo, ông có nhìn nhận ra sao?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Trung Quốc là một thị trường khổng lồ. Nếu không tận dụng được Trung Quốc như một thị trường thì sẽ là một nền kinh tế vô sinh. Ứng xử với nền kinh tế Trung Quốc thế nào cho có lợi nhất là bản lĩnh của tất cả các nhà chính trị trên thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam.
Phải nhìn vào một thực tế rằng, các tỉnh biên giới của miền Bắc Việt Nam, người dân đều giàu có lên bằng việc tổ chức quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Vậy có thể xoay chuyển quan hệ thương mại với Trung Quốc từ tiểu ngạch là chủ yếu sang chính ngạch là chủ yếu không? Điều này chúng ta buộc phải suy nghĩ.
PV: Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%. Đây là con số được cho là thể hiện quyết tâm phục hồi kinh tế của Chính phủ sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Theo ông, chúng ta sẽ mất bao lâu để khôi phục và đạt được các mức tăng trưởng như đã đặt ra?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tất cả các Nghị quyết hiện nay đều phải dựa vào điều kiện “nếu đại dịch chấm dứt vào cuối năm 2020”. Lâu nay, chúng ta đã quen với các tiêu chí tăng trưởng GDP 7 - 8%. Việc đưa ra tiêu chí 6% trong khi thế giới còn chưa biết đến khi nào mới hết dịch, tôi cho đó là một sự lạc quan.
Nếu nói mất bao lâu để khôi phục được kinh tế như mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đưa ra thì tôi không thể trả lời được. Bởi, nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập, và nó phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào “cuộc kháng chiến” chống Covid-19 của Việt Nam và thế giới.
PV: Việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực là cốt lõi cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay. Ông có trăn trở gì về vấn đề này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta có các nguồn lực để đi qua một cuộc kháng chiến dài nửa thế kỷ, chúng ta cũng có những nguồn lực để đi qua thời kỳ đổi mới và mở cửa. Nguồn lực không phải là cái để nói, để khoe. Nguồn lực là cái được sử dụng một cách im lặng để phát triển và giữ ổn định.
Nguồn lực đã sử dụng trong thời kỳ đổi mới và mở cửa vẫn tiếp tục là nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam. Nguồn lực đã sử dụng trong cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta vẫn tiếp tục là nguồn lực giữ cho Việt Nam ổn định về mặt chính trị.
Nguồn lực thứ nhất tạo ra sự ổn định chính trị, xã hội. Nguồn lực thứ hai tạo ra năng lực phát triển. Hãy tiếp tục sử dụng cả hai loại nguồn lực ấy. Việt Nam chỉ có thể phát triển với năng lực khai thác các truyền thống như vậy.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm 2020
1. Kinh tế tăng trưởng dương: Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương, ước đạt 3%. Quy mô GDP ước đạt khoảng 269 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.750 USD.
2. Ổn định tình hình kinh tế vĩ mô: Bất kể có cơn sốt giá vàng nhưng tỷ giá USD cơ bản ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế. Cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục (hơn 92 tỷ USD). Xuất khẩu khả quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, đạt khoảng 535 tỷ USD. Xuất siêu 5 năm liên tiếp, thặng dư thương mại cao kỷ lục, hơn 17 tỷ USD. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế.
3. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ: Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, có sự khác biệt lớn so với nhiều năm trước. Từ nguồn vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế, góp phần tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.
4. Ký kết và đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Ngày 1/8/2020, đánh dấu kết thúc con đường 10 năm đàm phán bằng Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Ngày 11/12/2020, kết thúc đàm phán, mở ra cơ hội ký tiếp Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) trong năm 2021.
5. Đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2020: Rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra như Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp ba lần trong năm thay vì hai lần theo thông lệ; nhiều Hội nghị cấp cao, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.
6. Tăng triển vọng tín nhiệm: Năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. Thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian. Đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.