Năm trâu nhớ con bò
Việt Linh
(TBKTSG) - Không hiểu thần kinh vận hành kiểu chi, mà trong từng thời điểm cụ thể - năm, tháng, ngày - sẽ có một sự kiện, hình ảnh “găm não”, ám ảnh tôi dù tiêu cực hay tích cực. Năm 2020 với tôi là ám ảnh... con bò.
Những con bò gặm cỏ trên đồng khô cháy. Ảnh: H.P |
Ông bố thót lưng bò
Chuyện xảy ra cuối năm 2019 nhưng tôi nhớ lâu, vì có một chi tiết - rất điện ảnh - ít ai lưu ý. Qua đoạn clip dài hai phút lưu hành trên mạng, ta thấy nhóm người mặc đồ thể thao vào mua hàng, nghỉ ngơi tại trạm nghỉ Hải Đăng, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên; trong đó có ông bố là nhân vật chính. Theo thông tấn ngôn ngữ, “tại đây, người đàn ông liên tục ra dấu, hướng dẫn con trai vào trong quầy lấy thức ăn. Thấy con bị nhân viên thu ngân yêu cầu trả tiền que xúc xích, người đàn ông xông đến quầy thanh toán, cầm que xúc xích bóc ra, ném hai lần vào nữ nhân viên. Chưa dừng lại ở đó, ông bố tiếp tục tiến lên, tát thẳng vào mặt nam nhân viên đứng cạnh”. Cách hành xử hung hăng, xấu xí của người cha - mà về sau được biết là sĩ quan công an - trước mặt con trai nhỏ, khiến dư luận phẫn nộ.
Báo chí khi đó tràn ngập thông tin, hình ảnh cùng đủ thứ bình luận chê bai, nhưng trong nghìn nghịt tường thuật bên lề và cả chính thống, không ai nhắc con bò - nơi bày lộ thói quen, tính khí, nhân cách người liên quan: trong hình ảnh, trạm nghỉ Hải Đăng có trang trí tiêu bản con bò sữa cao to, quảng cáo cho một công ty sữa. Khi hướng dẫn con trai vô quầy lấy thức ăn, ông bố trung niên “cỡi” choi loi lưng bò. Nhìn tư thế vui mắt nổi phêu trong đám đông, tôi hơi thắc mắc không hiểu con người không cao lớn đó đã leo lên cách nào.
Trở lại nội dung chính. Thấy con trai bị truy tiền, từ chễm chệ lưng bò ông bố phóng rẹt xuống, hành xử côn đồ. Hành xử xong, viên sĩ quan nhơn nhơn trở lại “ghế” cao, thót căng sức đôi lần mới an tọa. Chật vật nhưng thuần thục, hành động đó cho thấy ông ta đã nhiều lần thót lên đâu đó, không chỉ nơi này. Với con nít, hành động khôi hài kia khá đáng yêu, nhưng với một cán bộ, một ông bố đứng tuổi thì cái loi choi cố gắng kia tố cáo bệnh hãnh tiến đã ăn sâu vô não.
Những con bò nhút nhát
Ám ảnh tiếp theo với tôi là hình ảnh những con bò yếu nhớt Nhà nước cấp cho dân. Nguyên nhân, như Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai giải thích là do các em “mới bị tách đàn, nhút nhát”. Hình ảnh những con bò đáng thương nằm bẹp, sụm lên sụm xuống khi bị lôi đi, và câu giải thích khôi hài sống sượng cứ thế găm não tôi, khó phai. Nói về lòng tham của con người xung quanh con bò năm 2020, không thể không nhắc vụ “nhà bò”. Chuyện rằng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chi hơn 5 tỉ đồng mua bò giống cho đồng bào Ơ Đu, nhưng chi hơn 10 tỉ đồng để xây nơi bò ở, với giá mỗi chuồng 236 triệu đồng - gấp đôi mỗi căn nhà chính sách cho người!
Nhiều nhà báo bất bình lên thực địa xã Nga My, mục kiến một số ngôi nhà mái lá ngay cạnh chuồng bò bê tông kiên cố. “Muốn được xây nhà ở hơn chuồng bò”, ông Lo Văn Thiên ngồi trên bậu cửa căn nhà vách nứa, chân mang hai chiếc dép nhựa khác nhau, nói với báo chí. Trong khi lãnh đạo xã và Phòng Chính sách dân tộc tỉnh Nghệ An - một số đã bị bắt - khẳng định trước khi triển khai dự án, người dân đã được tham vấn và đa số đồng tình. Sự bất nhất này không khó hiểu cho những ai từng làm việc với cơ quan nhà nước.
Nói chi vùng cao, ngay Hãng phim Giải Phóng cách đây mười lăm năm cũng được “tham vấn” xây trụ sở mười bốn tầng, qua bản vẽ hoàn tất trên cao. Bất nhẫn tính phô trương phù phiếm nhưng cán bộ hãng phim khi đó đành thúc thủ, im lặng chờ thời, phản đối yếu ớt, hoặc ra đi. Tôi chọn cách sau cuối. Dại gì phản biện khi mọi chuyện đã an bài, mà hậu quả là bị “ghét”, số đông nghĩ vậy. Một báo cáo “đồng thuận” được nộp, để phần lớn diện tích cơ ngơi đồ sộ kia hôm nay không dành sản xuất phim, còn ông giám đốc biệt phái trong giai đoạn xây dựng, quy hương sau hoàn công thì không cần biết, không liên quan vách kính thiết kế 5 ly hóa 3 ly khi gặp dông rơi xuống!
Những con bò ốm đói
Chuyện rằng cách đây mười hai năm, tại xã vùng cao Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận xuất hiện con bò tót rừng to lớn, xuống rẫy dân quấy phá. Anh bò cô độc này hay lân la đến bìa rừng, đánh bật những anh bò đực dân thả rong, tranh giao phối với các em cái. Kết quả của những phen “hạnh ngộ” là hai mươi con bò tót lai F1 với vóc dáng, đặc tính giống hệt ông cha hoang dã, được dân nuôi tiếp, tạo ra đám hậu duệ F2, F3 tráng kiện, không tốn kém.
Từ năm 2012-2015, khi phát hiện sự việc, Vườn quốc gia Phước Bình phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng mua lại mười con bò tót lai của dân để thực hiện nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu khoa học trị giá 5 tỉ đồng có tên “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” do Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng chủ trì, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng Lê Xuân Thám chủ nhiệm. Đến tháng 6-2019 đề tài kết thúc, kết quả nghiên cứu không hơn thành quả của dân, nhưng tiền hết, “đối tượng nghiên cứu” bị bỏ rơi, gầy đói trơ xương.
Trên thực tế có những nghiên cứu tác động tiêu cực đến động vật, nhưng tác động ngoại ý nhằm chế tạo thuốc, vaccin phục vụ con người, chứ không ngược đãi. Có học hàm học vị cao, sử dụng kinh phí lớn từ thuế của dân, ông Thám và cộng sự không tạo ra giá trị tương xứng là vi phạm đạo đức nghiên cứu nói riêng, đạo đức xã hội nói chung. Nhờ báo chí phanh phui, đàn bò đáng thương đã được Vườn quốc gia nhận nuôi, còn người bỏ rơi chúng thì vô sự, đề tài nghiên cứu quốc gia chìm trong đại dương lãng quên, thành một trong thiên lủng câu chuyện mà muốn kết sẽ đụng nhiều... kết khác!
Khi một người đàn ông ăn mặc lịch sự, nước hoa thơm phức vẫn chen hàng trơ trẽn, khi những vụ ăn cắp công khai hoặc mờ ám vẫn tràn lan... thì ám ảnh “con bò” trong tôi vẫn khó phai trong năm mới. Nhưng thôi, tôi sẽ lấy đoạn trích thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng nơi con trai ông theo học làm thần chú: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực”. Bản chất cuộc sống là tốt đẹp, chúng ta hãy bình tâm thưởng thức, ngưỡng vọng cái tốt, khinh khi cái xấu, dù đôi khi phải âm thầm…
Xem thêm: lmth.-ob-noc-ohn-uart-man/670313/nv.semitnogiaseht.www