Nghiên cứu gene ti thể cho thấy trâu được thuần hóa vào khoảng 5.000 năm trước ở Ấn Độ và khoảng 4.000 năm trước ở Trung Hoa - tức chúng gắn bó với con người tối thiểu từ đó tới nay. Những tác phẩm tạo hình đầu tiên thể hiện con trâu, do đó, cũng xuất phát và tập trung ở châu Á.
Văn minh Harappa, nền văn minh phát triển ở lưu vực sông Ấn khoảng năm 2800 - 1800 trước Công nguyên, để lại những di vật cho thấy một nền văn hóa thờ trâu nước: những tấm bảng đất nung thể hiện cảnh đâm trâu; tượng đồng trâu đứng trên 4 bánh xe (có tất cả 4 bức nặng tổng cộng hơn 60kg, được tìm thấy ở Daimabad, Maharashtra); hay bình có sơn hình trâu thời đầu Harappa.
Ở Thái Lan, các nhà khảo cổ tìm thấy một nhóm bình gốm để phục vụ nghi lễ hết sức thú vị thuộc vùng lòng chảo Lopburi-Pa Sak miền trung nước này.
Những khu định cư lâu đời nhất trong vùng đã là từ hơn 3.000 năm trước và con trâu có lẽ gắn chặt với đời sống ở đó, như có thể thấy qua những chiếc bình gốm mà Google Arts and Culture ca ngợi là “nguyên bản, sáng tạo và thể hiện tay nghề tuyệt vời của người thợ - không nơi nào sánh được trong nghệ thuật gốm Thái Lan thời kỳ đầu”.
Ở Bảo tàng Louvre, Pháp, hiện còn lưu giữ một ấn triện hình trụ khắc hình trâu cực kỳ tinh xảo của đế quốc Akkad (khoảng 2300 - 2150 trước Công nguyên, nay là vùng Lưỡng Hà). Hình khắc quanh ấn tả cảnh hai con trâu đang được các lực sĩ cho uống nước từ hai chiếc bình.
Ấn này là của Ibni-Sharrum, thư ký vua Sharkali-Sharri (khoảng 2217 - 2193 trước Công nguyên), và là một trong những đồ tạo tác tinh xảo nhất giới khảo cổ tìm thấy về thời kỳ này.
Con trâu cũng xuất hiện khá nhiều trong nghệ thuật đế quốc Akkad, cho thấy mối quan hệ bền vững giữa nơi này và những vùng xa xôi về phía đông. Hình khắc, một sản phẩm của xưởng thủ công Hoàng gia Akkad, trên ấn đã mô tả tỉ mỉ, chính xác cơ bắp và cặp sừng lộng lẫy của những con trâu.
Nhưng con trâu không phải lúc nào cũng được thể hiện với hình ảnh hiền lành. Một ngoại lệ là bức tiểu họa khuyết danh Nữ thần Durga diệt trâu quỷ. Bức tranh được xác định vẽ vào khoảng năm 1750 ở bang miền tây Ấn Độ Rajasthan.
Vị nữ thần nhiều tay trong tranh nhảy lên không trung và đâm ngọn giáo vào cổ con trâu quỷ, mà sau khi bị thương đã hiện nguyên hình. Trong khi ở Đông Nam Á, trâu chủ yếu được gắn với những đức tính tốt, ở Nam Á, nó đôi khi bị nhìn nhận là hiện thân của sự lười biếng, ngu dốt và dơ bẩn.
Trong những giai đoạn muộn hơn, khoảng thế kỷ 11-12, nghệ thuật về trâu ở châu Á cũng trở nên tinh xảo hơn. Điển hình như bức tượng Yamantaka trên lưng trâu của đế quốc Pala (thế kỷ 8 - 12), Ấn Độ.
"Tử thần, kẻ chinh phục" Yamantaka đứng dạng chân trong tư thế alidha, thế đứng của một cung thủ. Bức tượng cũng bao gồm những yếu tố Phật giáo, như tòa sen dưới chân và Yamantaka được thể hiện ba đầu, sáu tay.
Hình dáng con trâu đặc biệt thuần hậu, đối lập với khuôn mặt dữ dằn của vị thần trên lưng nó.
Hình chạm nổi thấp Trâu Đài Loan là sự cân bằng chính xác giữa không gian phẳng và ba chiều, kết hợp những đường nét cong và góc sắc để phóng chiếu hình ảnh đàn trâu và ba đứa trẻ. Ánh sáng và bóng tối đối lập tạo ra hiệu ứng nhiều tầng.
Tác phẩm là của Huang Tu-shui (Hoàng Thổ Thủy, 1895 - 1930), nhà điêu khắc tiên phong của Đài Loan.
Ở Trung Hoa, con trâu thường gắn với nhân vật khai sinh đạo giáo Lão Tử, như trong bức Lão Tử cưỡi trâu của họa gia thời Minh Trương Lộ (1464 - 1538). Trương là học trò của Ngô Vĩ, một trong những nhân vật chủ chốt của Chiết phái - một trường phái hội họa Trung Hoa thời Minh chủ trương bảo tồn lối vẽ cổ điển của thời Nam Tống.
Lão Tử là một trong những triết gia vào hàng khai chi lập phái ở Trung Hoa, nên con vật ông cưỡi, con trâu trong bức tranh này, cũng toát ra một vẻ ngoài hiền triết.
Từ trước thời đại "flycam", bức Đầm lầy của nữ họa sĩ người Nhật Fuku Akino (1908 - 2001) đã mô tả toàn cảnh nhìn từ trên một đàn trâu đang tắm trong đầm lầy. Đầu và lưng những con trâu nổi lên trên mặt nước tạo ra hình dáng như hoa văn sóng xoáy, một cảnh tượng ngoạn mục.
Akino là một trong những nữ họa sĩ hiện đại đầu tiên của Nhật Bản và châu Á. Bà bỏ nghề giáo viên để tới Tokyo tự học vẽ tranh, để rồi trở thành trợ giảng ở Đại học Mỹ thuật Kyoto. Năm 53 tuổi, bà được Đại học Visva-Bharati, Ấn Độ, mời thỉnh giảng.
Bức tranh vẽ năm 1991 này là hồi ức của bà về thời kỳ đó ở đất nước mà bà rất yêu mến.
TTO - Coi con trâu như cái cột của ngôi nhà văn hóa, văn minh Việt, các họa sĩ nhóm G39 mang đến một cuộc ‘tiễn Tí đón Sửu’ rực rỡ bằng một cuộc triển lãm cảm xúc.
Xem thêm: mth.13239140201202-gnod-gnouhp-hnih-oat-tauht-ehgn-gnort-uart-noc/nv.ertiout