Bà Trần Mai Hương, ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, từng là chủ một trong những nhà máy chế biến cà phê lớn ở huyện miền núi phía tây Quảng Trị.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phá sản, bà bỏ qua Lào một thời gian rồi trở về quê gầy dựng lại sự nghiệp. Đến nay, bà là chủ thương hiệu cà phê chồn có tiếng ở Quảng Trị, xuất đi nhiều tỉnh thành khắp cả nước.
Phá sản do không kiểm soát được giá
Bà Hương nói không muốn nhắc lại chuyện cũ vì "nó mất mát quá lớn, khiến tôi trông già hơn tuổi". Là một phụ nữ năng động, xốc vác, bà Hương sở hữu hàng chục hecta cà phê ở huyện Hướng Hóa. Bấy giờ, cà phê được giá, nhà nhà người người lao vào sản xuất, kinh doanh ngành hàng này.
Tích cóp được một ít vốn, vay thêm ngân hàng 8 tỉ đồng, bà Hương mở một nhà máy chế biến cà phê vào năm 2009.
Năm 2013, giá cà phê lên đỉnh điểm ở mức 66.000 đồng/kg. Bà Hương mạnh tay mua vào đến 50 tấn cà phê thóc. Nhiều bạn hàng đến xem, kiểm định và chốt đơn mua nhưng chưa chuyển tiền. Chỉ một thời gian ngắn, giá bán hạ dần rồi về mức thấp nhất 22.000 đồng/kg.
"Khi giá hạ tôi đã hết đường thoát, trượt dài vào con đường vay mượn ngân hàng để duy trì nhà máy", bà Hương nhớ lại. Do chi phí vận hành nhà máy, nhân công quá lớn, bà chủ doanh nghiệp tuyên bố phá sản.
Sau thất bại, bà Hương qua Lào làm công nhân trồng cao su, mỗi ngày bốc 8.000kg bầu cao su để trồng. "Tối về tôi mệt rã rời, ngủ say như chết".
Quần quật ba tháng, vị giám đốc người Lào thấy bà làm việc có tổ chức, trách nhiệm nên muốn tìm hiểu sâu hơn về quá khứ. Cả hai trở về Hướng Phùng, rồi ông này động viên bà làm lại.
Thương hiệu cà phê chồn "Madam Hương"
"Bài học lớn sau thất bại là mình không kiểm soát được giá cả mặt hàng mình làm ra. Phải làm thế nào để thị trường chấp nhận mức giá mà mình đưa ra mới thành công được", bà Hương đúc rút.
Trong những ngày tháng vất vả nơi đất khách, bà Hương vẫn tranh thủ tìm hướng làm ăn và nhắm đến sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Cây cà phê đã ăn sâu vào từng thớ thịt, huyết quản bà Hương. Bà ấp ủ một ngày xây dựng nên thương hiệu cà phê chồn của riêng mình.
Bấy giờ, một rẫy cà phê của bà ở sâu trong thôn Cợp, xã Hướng Phùng bị ngân hàng phát mại nhưng không có ai mua vì đường sá lầy lội, tiếp cận khó khăn. Nghe ngân hàng báo có người đến xem rẫy cà phê, bà Hương lại ôm gối khóc thầm cả đêm. "May mắn là đường sá quá khó khiến các nhà đầu tư chùn bước. Rẫy cà phê này không bán được", bà Hương kể.
Sau đó, người thân đã vay tiền, mua lại rẫy cà phê này. Bà chuyển hướng sang làm cà phê đặc sản, chất lượng cao, không chạy theo thị trường. Năm 2019, bà trồng cây gáo giữa 4ha cà phê, tạo nên vườn rừng cà phê tuyệt đẹp.
Cà phê dưới tán rừng đang là xu thế của thế giới, năng suất cà phê thấp hơn nhưng chất lượng cao, giá ổn định. Bà hiện là một thành viên tích cực trong nhóm sản xuất cà phê đặc sản Khe Sanh (huyện Hướng Hóa).
Ấp ủ giấc mơ cà phê chồn trong 10 năm, đến 2022 bà mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng mua 20 con chồn nuôi nguồn gốc ở Quảng Nam. Chồn được bà nuôi trong chuồng rộng rãi, cho ăn hoa quả tươi, cháo cá, cháo trứng lộn… "Chăm chồn hơn cả chăm con dại nữa", bà Hương mô tả.
Cà phê được cho chồn ăn như một loại thức ăn thông thường, chứ không cưỡng bức chồn phải ăn hoàn toàn cà phê. Sau khi tiêu hóa hết phần cùi hạt cà phê, phần nhân thải ra theo phân chồn được bà lựa chọn, phơi nắng, ủ kín 90 ngày để hạt dậy mùi hương.
Một ngày, bà Hương chỉ thu được một kg thành phẩm cà phê chồn. Đến nay, bà sản xuất được khoảng 200kg cà phê chồn thành phẩm, giá bán cao nhất bốn triệu đồng/kg xuất đi khắp cả nước mà không đủ cung ứng.
"Tương lai tôi sẽ làm một khu vườn cà phê rộng có kiểm soát để thả chồn hương, tạo môi trường tự do nhất cho chồn", bà Hương hình dung con đường sắp tới.
Ông Phan Ngọc Long - chủ tịch UBND xã Hướng Phùng - nhận xét: "Cà phê đặc sản có giá một đến hai triệu đồng/kg so với cà phê thông thường 400.000 đồng - 500.000 đồng/kg. Cà phê chồn của bà Hương có hiệu quả kinh tế rất cao và là một hướng đi mới ở địa phương".
Các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp in 3D kết hợp bã cà phê với các thành phần bền vững khác để làm đồ trang sức, ly uống cà phê espresso...