Sau đây là những doanh nhân có chỗ đứng nhất định trên thương trường mang tuổi Quý Sửu (sinh năm 1973).
Tô Hải
Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa quốc tế
Doanh nhân tuổi Quý Sửu này hiện sở hữu khối tài sản hơn 2000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Ngoài vị trí CTCP sữa IDP, vị doanh nhân này còn là thành viên HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt.
Sinh ra tại Thái Bình, ông Tô Hải là cử nhân ngành quản trị công nghiệp, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh. Về sau ông còn có thêm bằng Thạc sỹ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng đại học Sydney.
Là người khá nổi tiếng trong lĩnh vực chứng khoán nhưng ít người biết ông Hải từng có 3 năm lại việc trong ngành viễn thông tại Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam. Năm 2001, ông Hải chuyển sang làm việc tại công ty chứng khoán Bảo Việt, đến năm 2007 trở thành giám đốc chi nhánh Tp.HCM của công ty này. Cuối năm 2007 ông Hải giữ chứng vụ Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt, ủy viên HĐQT Công ty xi măng Hà Tiên 1.
Bên cạnh 14 năm điều hành tại chứng khoán Bản Việt, hồi tháng 8 năm 2020, ông Hải bất ngờ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP sữa quốc tế. Công ty sữa này sở hữu nhiều dòng sản phẩm như Lif, Lif Kun, Ba Vì. Đây cũng là nơi "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh từng tham gia tái định vị thương hiệu.
Nguyễn Việt Cường
Chủ tịch HĐQT CTCP Kosy
Ông Cường có mặt trong danh sách 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản khoảng 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên vị doanh nhân này chưa bao giờ xuất hiện trên truyền thông.
Về CTCP Kosy, công ty này được thành lập năm 2008. Công ty này có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 120 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, san lấp mặt bằng. Đến năm 2011 Kosy chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thi công các dự án khu đô thị mới. Hiện 3 mảng kinh doanh chính của đơn vị này gồm: Bất động sản, Xây dựng, Năng lương- Thủy điện.
Từ năm 2016 công ty này bắt đầu triển khai nhiều dự án bất động sản tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Hiện nay công ty này đang triển khai một số dự án lớn tại các tỉnh như: Kosy Mountain View- Lào Cai, Kosy Cầu Gồ- Bắc Giang, KĐT Kosy Sông Công- Thái Nguyên, KĐT mới Kosy Bắc Giang, Kosy Gia Sàng.
Năm 2019 công ty này đạt doanh thu 1.063 tỷ đồng tuy nhiên lợi nhuận thấp chỉ với 20 tỷ đồng.
Trần Kinh Doanh
Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số Trần Anh
Ông Trần Kinh Doanh là gương mặt không xa lạ với giới kinh doanh.
Ông Doanh là cử nhân kinh tế học tốt nghiệp Đại học kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1998-2003, ông làm giám đốc bán hàng khu vực miền Nam tại Công ty LaVie. Năm 2003-2007, ông chuyển sang làm giám đốc bán hàng cho URC Việt Nam.
Vị doanh nhân tuổi Quý Sửu này bắt đầu gắn bó với CTCP Thế giới di động từ năm 2007 trên cương vị Tổng giám đốc.
Năm 2007 Thế giới di động mới chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty là 10 triệu USD theo chia sẻ của ông Chris Freund, tổng giám đốc Mekong Capital. Ông Doanh từng đứng đầu và chịu trách nhiệm phát triển chuỗi Thegioididong.com, Điện máy xanh.
Năm 2018, vị doanh nhân này rút lui khỏi vị trí CEO Thế giới di động và thay thế là CEO trẻ tuổi Đoàn Văn Hiểu Em. Đến đầu năm 2019, ông Doanh chuyển sang vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, dẫn dắt chung về tất cả hoạt động kinh doanh của MWG. Ông cũng là người dẫn dắt những việc như khai trương và thử nghiệm bán đồng hồ tại Thế giới di động. Sau thương vụ mua lại Trần Anh, ông Doanh đảm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty thế giới số Trần Anh.
Dưới sự điều hành của ông Doanh, doanh thu của Thế giới di động tăng từ 2.012 tỷ đồng năm 2009 lên 87.738 tỷ đồng năm 2018 (tăng gần 44 lần). Hiện vị doanh nhân này sở hữu khối tài sản khoảng 612 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Phan Huy Khang
Cựu TGĐ Ngân hàng Phương Nam
Ông Khang có mặt trong danh sách 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản 405 tỷ đồng. Vị doanh nhân này xuất phát là nhân viên Ngân hàng Phương Nam từ năm 1994. Sau nhiều năm phấn đấu, ông Khang đi lên từ nhân viên lên vị trí phó phòng, trưởng phòng, giám đốc chi nhánh tại ngân hàng này.
Từ năm 2010- tháng 4/2012, ông Khang giữ trị trí tổng giám đốc kiêm Bí thư Đảng bộ ngân hàng phương Nam. Đến tháng 6/2012, ông Khang chuyển sang vị trí Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín. Đến tháng 10/2015, ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, ông Khang chuyển sang vị trí thành viên HĐQT cho đến cuối năm 2016.
Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Khang không mấy suôn sẻ trên thị trường tài chính. Dưới thời của ông, SouthernBank kinh doanh bết bát, còn Sacombank thì điêu đứng với hơn 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong năm 2014, SouthernBank lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ. Lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên SouthernBank không thể chia cổ tức.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị